Đầu Tiên Là Cừu, Rồi Đến Con Người Chăng?

Eberhard Schockenhoff 

Tiến bộ về kỹ thuật gien hiện đại khiến cho con người có thể vượt lên trên những giới hạn trước kia. Bao lâu lăng kính hoạt động khoa học và kỹ thuật của con người trên thiên nhiên bị giới hạn bởi chính thiên nhiên, vấn đề hợp pháp cho những can thiệp kiểu đó (kỹ thuật gien) không nảy sinh gay gắt như lúc này. Chúng ta phải tìm hiểu về ý nghĩa nhân bản của những giới hạn đã từng bị thiên nhiên áp đặt, và trong tôn giáo, đạo đức và pháp lý phải tìm kiếm những nền tảng vững chắc để thiết lập những giới hạn mới. Điều mà kỹ thuật có thể làm được, không đương nhiên thỏa mãn tiêu chuẩn về trách nhiệm đạo đức và điều đáng ước mong cho con người.

I. NHỮNG GIỚI HẠN CỦA THIÊN NHIÊN – NHỮNG GIỚI HẠN CỦA ĐẠO ĐỨC?

Niềm tin vào việc tạo dựng kể trong Kinh Thánh nhắc nhủ con người về nhiệm vụ thống trị và về tư thế đặc biệt mà nhiệm vụ đó đem lại cho con người giữa mọi tạo vật, và cũng nhắc nhở về trách nhiệm không thể chuyển nhượng của họ là lo cho mọi tạo vật được lành mạnh, điều đó lại càng trở nên nặng nề cho con người vì đó chính là hậu quả của việc nâng cao vai trò con người như những người đại diện và quản lý của Thiên Chúa. Nhiệm vụ của con người trong việc định hướng cho tạo vật và chỗ đứng của con người đó giữa các tạo vật gắn chặt với nhau: vì mọi tạo vật đều có nguồn gốc thần thiêng của mình tức là đều được Đấng Tạo Hóa dựng nên, nên thiên nhiên cũng có phần trong việc tôn kính mà con người cảm nhận đối với Đấng Tạo Hóa siêu việt của họ. Vì thiên nhiên không chỉ phản ảnh vẻ đẹp và vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi và sự sống dư tràn của Người, nhưng đồng thời còn bị méo mó đi như hậu quả của việc bất tín do phạm tội, trong tình trạng đó, thiên nhiên không hoàn toàn đồng hóa với ý muốn của Thiên Chúa khi Ngài lập công trình tạo dựng.

Theo Kinh Thánh, nếu nguồn gốc sự dữ không được tìm kiếm trong nguyên lý tiêu cực của thế giới hay trong những khía cạnh đen tối của thần tính, mà phải tìm trong tình trạng bất tất của tự do vốn có ngay từ lúc bắt đầu lịch sử loài người, thì những hậu quả của sự dữ lại cụ thể trong những cấu trúc của tạo vật sa ngã. Chúng hiển hiện nơi những sức mạnh phá hoại và những khuynh hướng tháo thứ đe dọa cả đời sống con người và động vật lẫn thiên nhiên vô hồn dưới hình thức bệnh tật, tai nạn và thiên tai. Vì tạo vật cũng luôn luôn là nơi xảy ra sự dữ và không bao giờ chỉ hiện hữu trong suy tư vững chắc về nguồn gốc thần thiêng của nó, chiếu theo lối hiểu của Kinh thánh, nên ,theo nguyên tắc, con người được phép can thiệp để giữ gìn thiên nhiên và làm cho nó thành hữu dụng; về mặt thần học, những can thiệp đó phải được hiểu như sự cộng tác với hành động của Thiên Chúa trong việc tạo dựng. Vì các giới hạn của những can thiệp đó trong một hình ảnh năng động tiến hóa của thế giới không thể được đọc ra từ những quy định sẵn có của thiên nhiên, nên chúng cần phải được khám phá lại và được thừa nhận nhờ lý trí con người. Sở dĩ có những giới hạn đó là vì con người thì hữu hạn và có những hạn chế nơi cơ cấu của mình. Tuy nhiên, trước kia khả năng can thiệp của khoa học và kỹ thuật không thể biết được những giới hạn đó đi tới đâu. Đúng ra, cần phải có suy tư phê bình về những điều kiện và kết quả của hành động con người đang điều tra xem kỹ thuật có thể làm được điều gì (vào bất cứ lúc nào) dựa trên nền tảng điều gì hữu lý cho con người. Như vậy, cần kêu gọi đến việc tự kềm chế của khoa học và việc suy tư đạo đức để xác định lại một lần nữa những giới hạn mà trong đó khoa học và nghiên cứu, y học và kỹ thuật gien phụng sự cho sự lành mạnh của loài người.

Tiêu chuẩn về phẩm giá con người, sự tôn trọng đời sống của những người khác, và việc ngăn cấm sát nhân, cho chúng ta tiêu chuẩn quan trọng để tạo nên những phán đoán đạo đức hầu có thể xác định những giới hạn đầu tiên trong những tình huống có tranh chấp trong lãnh vực đạo đức sinh học. Điều thường thấy ở tất cả những tiêu chuẩn đó là chúng mới chỉ tạo nên một hạn chế tiêu cực, mà chưa đưa ra được bất cứ một mục đích bao quát nào. Chúng miêu tả những điều kiện hạn chế hành vi nhân linh nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Dưới cấp độ mà yêu sách của ngôi vị được diễn tả trong những nghĩa vụ tiêu cực liên quan đến những gì không được làm, chúng ta cần có những tiêu chuẩn đánh giá đạo đức sâu xa hơn để có thể đánh giá những dự án nghiên cứu đặc thù trong kỹ thuật gien và những tiến trình được sử dụng ở đó. Ở đây trên hết, chúng ta phải tìm ra cách biện minh cho những mục tiêu và trách nhiệm đối với những hiệu quả; điều này phải đi trước hoặc đồng hành với những dự án nghiên cứu cá nhân. Gắn liền với những khả năng hiện nay trong việc sử dụng kỹ thuật gien trên con người, ở đây chúng ta sẽ nghiên cứu những thuận lợi cho việc làm nên một phán đoán đạo đức qua hai ví dụ. Trước hết,trong trường hợp chẩn định về gien, thì suy tư đạo đức hướng đến việc nhìn lại quá khứ và đồng hành cùng với những tiến bộ khoa học, thứ đến, trong trường hợp nhân bản vô tính, lại cần phải nhìn trước hiệu quả mà nó có thể gây ra trong tương lai.

II. ĐƯỢC QUYỀN KHÔNG BIẾT

Trên nguyên tắc, phán đoán phải có về những phương pháp chẩn định tiền sản không khác với phán đoán về những tiến trình nghiên cứu y học từng được biết từ lâu. Những vấn đề đạo đức theo đó không bị giới hạn ở mối hiểm nguy về một thất bại hoặc tai hại cho phôi gắn liền với việc tạo nên tế bào, mặc dù mối hiểm nguy này gắn liền với sự can thiệp thì cũng phải bao gồm trong việc đánh giá và trong việc tư vấn cho các bậc cha mẹ, vì trong những tiến trình ngày càng lan rộng mà ngày nay thường áp dụng, mối nguy cơ thất bại gần bằng với mối nguy trong sự chẩn đoán về việc phá vỡ các nhiễm sắc thể (trong chọc hút màng ối là từ 0,5 – 1%, trong sinh thiết màng đệm là từ 2 – 4%). Trong những tiến trình chẩn định tiền sản, vấn đề thực sự nằm trong những hậu quả thực tế khi áp dụng chúng. Mục đích y học của việc chẩn đoán tiền sản là biết được sớm nhất việc gây nên tai hại với một dự đoán cái nhiên hoặc chắc chắn, cốt để xua đi mọi âu lo của các cha mẹ và mưu cầu một chăm sóc y tế tốt nhất cho cả người mẹ lẫn đứa con chưa sinh ra. Trong hơn 97% các trường hợp, việc chẩn đoán tiền sản dẫn tới sự khám phá tiêu cực; bởi đó trong nhiều vụ mang thai có kèm theo mối hiểm nguy, điều đó có thể giúp người ta dễ đón nhận đứa trẻ hơn và do đó ngăn cản việc chấm dứt mang thai bởi một nỗi sợ vu vơ về sự tai hại nhiễm sắc thể có thể có.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan về đạo đức mà việc sử dụng những tiến trình chẩn đoán tiền sản có thể dẫn đến, đã trở thành hiển nhiên trong những trường hợp tương đối hiếm hoi trong đó việc xét nghiệm tiền sản tiên báo một bất thường về gien nơi đứa trẻ. Bao lâu mới chỉ có một ít liệu pháp y học được thiết lập và những kỹ thuật giải phẫu còn ở thời kỳ thực nghiệm sơ khai, việc chẩn đoán là có nguy cơ tai hại về gien sẽ đặt các bậc cha mẹ trước áp lực những kỳ vọng trong một tâm trạng hầu như chỉ nghĩ đến việc sẩy thai, một áp lực mà chỉ có một ít người có can đảm đương đầu. Mong muốn hợp pháp về mặt đạo đức để có một đứa con mạnh khỏe và mục đích y học của việc khu trừ những suy yếu di truyền hẳn dẫn tới quyết định là phá thai như một hiệu quả tất nhiên dựa trên bối cảnh y học, và bắt nguồn từ một bản danh mục những hình thức giả định về sự tai hại cho phôi thai.

Theo một quan điểm phổ biến ngày nay, việc chăm sóc và sống với một đứa trẻ khuyết tật đòi hỏi sự sẵn sàng và hy sinh cá nhân nhiều hơn là luật lệ và luân lý có thể đòi hỏi ở một cá nhân. Giả thiết này, được ủng hộ bởi một sự nhất trí "ngầm" (chưa được điều tra) trong xã hội, là bằng chứng về một mâu thuẫn nội tại sâu sắc nằm ẩn dưới những khả năng của việc chẩn đoán tiền sản và việc tư vấn về gien cho các gia đình. Đang khi đó từ một viễn tượng y học, mục đích của việc tư vấn này là có thể nhận biết và điều trị những tật bệnh trong thai nhi sớm nhất có thể, xã hội hy vọng là ngày càng xóa bỏ việc sinh ra những đứa trẻ khuyết tật trong tương lai với sự trợ giúp của những kỹ thuật chẩn đoán về sinh học tế bào. Nếu việc chẩn đoán tiền sản có thể mở rộng đến việc tìm ra nhiều các bệnh tật hoặc ngay cả đến những đặc tính về gien chỉ với một yếu tố bệnh tật nhỏ thôi, thì điều này cũng khuyến khích mở rộng hơn nữa những khuynh hướng ưu sinh trong dân số. Ngay cả bây giờ, trong lúc điều tra về vấn đề này, có hơn 40% những người được hỏi cho rằng họ coi xu hướng phát phì theo gien như một chỉ dẫn đầy đủ để có thể phá thai mang tính dự phòng.

Thói quen sử dụng những tiến trình kiểm tra tổng quát có thể dẫn tới một thay đổi tâm thức dân chúng trong việc đánh giá khuyết tật và yếu đuối, và đưa đến một khuynh hướng coi bất cứ thứ gì đi chệch khỏi ‘tính cách bình thường’ đều là mặt hạn chế không thể chịu được. Tùy theo mức độ người ta mong đợi y học đem lại niềm hy vọng sinh ra một đứa trẻ mạnh khỏe, và những tiến trình chẩn đoán về sinh học phân tử được hiểu là ‘những bảo đảm’ chắc chắn cho điều đó, thì phản ứng của xã hội và lối đối xử kỳ thị người khuyết tật sẽ tăng lên. Dĩ nhiên là người ta ít sẵn sàng để chấp nhận những đứa trẻ khuyết tật và coi chúng như một mục tiêu suốt đời có thể đem lại không những là các mặt giới hạn và gánh nặng song cũng còn là sự làm phong phú cho một đời người.

Vì những giới hạn sức khỏe của một người không thể được đánh giá trước một cách chắc chắn, và mức độ người ta có thể chịu đựng được những gánh nặng thì tùy thuộc rất nhiều vào thái độ riêng tư củà các bậc cha mẹ trước cả khi những đứa con của họ được sinh ra. Việc biết sớm một mối nguy cơ tật bệnh sẽ làm suy giảm khả năng chấp nhận một đứa trẻ khuyết tật trong cùng một cách thức với một đứa trẻ khỏe mạnh mà thoạt đầu xem ra làm thỏa mãn những ước mơ của cha mẹ hơn. Hơn nữa, chuyện không có khả năng mường tượng việc sống với một đứa trẻ khuyết tật,vốn là một gánh nặng rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày, như một khả năng chọn lựa nghiêm chỉnh, càng trở nên nặng nề hơn bởi những lo âu về những phản ứng của xã hội. E rằng sớm muộn gì thì một người cũng sẽ phải biện minh cho mình trước xã hội chỉ nguyên bởi chuyện có một đứa con khuyết tật, để bản thân người đó và cộng đoàn có thể chấp nhận nó. Đang khi trước đây, sau khi sinh ra một đứa trẻ khuyết tật, những bậc cha mẹ vẫn còn tin tưởng được vào sự đồng cảm của những người chung quanh, các bạn hữu và thân thuộc, thì trong tương lai họ chỉ còn chống lại việc kém hiểu biết và việc loại bỏ đó, bằng cách tự ý quyết định chấp nhận một đứa trẻ không nên sinh ra.

Một khi những nguy hiểm của việc bạc đãi như vậy, vốn rất khó kiểm soát được, không loại bỏ việc chẩn đoán tiền sản, thì chúng cũng không thể bị việc dự phòng xã hội phá hủy. Dựa trên viễn tượng đạo đức, cần phải tuân thủ chặt chẽ ba giới hạn có nguy cơ bị bỏ quên trong lúc sử dụng vô tội vạ những kỹ thuật khám phá dựa trên nền sinh học phân tử. Trên nguyên tắc, việc chẩn đoán tiền sản có thể chỉ được sử dụng trong hệ thống những vấn đề y học: việc khám phá những đặc điểm tổng quát như là giới tính, những đặc điểm thần kinh hoặc ngay cả những khuynh hướng tâm lý, miễn là có được một sự chẩn đoán khá chắc chắn, thì không bị cấm đoán về mặt đạo đức. Ngay cả khi những xét nghiệm gien học được đề nghị cho mọi bậc cha mẹ, họ cũng không bị bó buộc phải sử dụng xét nghiệm đó. Hơn nữa, việc sử dụng việc chẩn đoán tiền sản xét về mặt y học cần có sự đồng ý của cha mẹ, vốn chỉ được diễn ra sau khi đã giải thích cặn kẽ về những nguy cơ làm thiệt hại cho đứa trẻ, và nếu có tranh chấp về luân lý, thì cũng phải làm thế nào cho nó thành tích cực. Ngay cả việc từ chối sử dụng chẩn đoán tiền sản cũng được bảo vệ về mặt đạo đức. Thực ra nó kêu gọi sự tôn trọng đặc biệt và đề cao, ở những nơi không hề có dấu hiệu rõ ràng về một khuyết tật di truyền trong gia đình. Tiên vàn, giá trị đạo đức đặc biệt của một thái độ như vậy nằm trong việc đối kháng lại chuyện đặt định giả tạo những nghĩa vụ của y học hiện đại, và tiếp theo là ở việc sẵn sàng thừa nhận đời sống con người không chút dè dặt, không bắt nó phải gánh chịu một lối đánh giá kỳ thị.

III. QUYỀN ĐƯỢC SINH NỞ TỰ NHIÊN VÀ CƠ MAY VỀ GIEN

Nếu những can thiệp của con người vào thiên nhiên là hợp pháp trên nguyên tắc, thì việc nhân bản vô tính những loài động vật không thể bị phản đối nguyên bởi việc nó vượt trên những giới hạn được áp dụng từ lâu. Và một tiến trình mới mẻ cũng không làm nền tảng cho việc cấm đoán tuyệt đối. Tuy nhiên, vì cần phải duy trì tính đa bội của các loài vật và tôn trọng giá trị nội tại của những động vật, nên việc nhân bản vô tính dù được phép trên nguyên tắc, vẫn không được hiểu như một sự cho phép vô giới hạn khiến người ta có thể sử dụng những động vật được nhân bản vô tính cho bất cứ mục tiêu nào đáng mong ước từ viễn tượng của nhân loại. Những kỹ thuật tách rời các phôi được thí nghiệm gần đây, hay việc chuyển nhân tế bào vào những tế bào phôi thai đã bị lấy mất nhân, có nghĩa là tư liệu gien đã bị lấy mất, những điều đó chỉ có thể được biện minh trong sự cân bằng giữa những phúc lợi và những lợi ích riêng của động vật mà ở đó xét theo viễn tượng nhân loại có thể nói rằng những mục tiêu của việc nghiên cứu là quan trọng và những lợi ích về sức khỏe là đặc biệt khẩn trương.

Trong số những lãnh vực mà việc nhân bản vô tính dự đoán có thể sử dụng được trong tương lai và ở đó con người có thể sử dụng một cách thật ý nghĩa những con vật được nhân bản vô tính, cần phải có những phán quyết khác nhau về mặt đạo đức tùy thuộc từng mục tiêu riêng biệt. Điều duy nhất mà con người cần quan tâm, đó là biện minh cho điều mệnh danh là ‘kỹ nghệ gien’, được coi là bảo đảm một phẩm chất ổn định của thuốc men và những dược chất quan trọng, và biện minh cho việc ghép những cơ quan của động vật vào con người, hơn là cho việc mở rộng vô giới hạn số lượng sản phẩm thịt cao cấp. Vì những động vật mà con người sử dụng tới cũng có giá trị của riêng nó xét về mặt tạo vật vượt lên trên những chức năng mà chúng thể hiện, và trong tương lai nữa, chúng cần được bảo vệ trong tính cách đa bội về gien và không bị thu hẹp vào chức năng của những giống loài cao sản được nhân bản vô tính, những phản ứng sinh học vốn có thể được tái diễn tùy ý và thay thế cho những cỗ máy dược học.

Trái lại, việc nhân bản vô tính những con người, diều có thể thành công, lại không tương thích với khái niệm về phẩm giá ngôi vị và mục đích riêng biệt của mỗi con người. Những lối áp dụng mà người ta vẫn kỳ vọng từ việc đưa những kỹ thuật nhân bản vô tính vào con người – chẳng hạn hiện nay người ta đã nghĩ đến những phương pháp hiệu nghiệm để chữa bệnh vô sinh, tránh những tật bệnh do di truyền về gien mà các gia đình gặp phải, và khả năng nhân bội thứ nguyên liệu cấy ghép tốt nhất để có thể hiến tặng bộ phận tùy ý thích – nếu đó là những lợi ích nghiên cứu y học thật quan trọng, thì có thể theo đuổi chúng hợp pháp về mặt đạo đức. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác thì các mục tiêu đề ra không thể biện minh được, cũng không phải là những hiệu quả tương ứng được mong đợi. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp những suy nghĩ lạ lùng về việc phục sinh vô tận những thiên tài đã chết hoặc tái tạo những con người được coi là ngoại hạng để nhân bội vào nhiều thời điểm khác nhau, hoặc là gia tăng việc sản xuất những phôi trong chương trình nghiên cứu về phôi.

Nếu không có vấn đề tìm hiểu xem những áp dụng nêu trên có thể trở thành hợp pháp ở mức độ những mục tiêu, việc nhân bản vô tính một con người cần phải được coi là đáng bị khiển trách. Một cá nhân được sinh ra theo kiểu đó thì không được chờ đợi vì chính nó; nó chỉ được sản sinh như một phương tiện cho một mục đích xa lạ. Cưỡng bức sự giống y chang về mặt gien học của một người lên một ngôi vị và muốn nhân bội một ai đó vì lẽ những phong phú, những khả năng hoặc những cá tính mà hệ gien của người đó đem lại cho họ, chuyện đó rõ ràng là có thể thừa nhận về mặt công cụ hóa nhưng lại không phù hợp với phẩm giá con người và với ý niệm con người là mục đích nơi chính mình. Một con người được đưa vào cuộc sống chỉ cốt để hiến bộ phận thích hợp về mặt gien học, chỉ như việc thay thế cho một người chồng hoặc một người vợ sớm qua đời, hoặc như việc nhân đôi một đứa con duy nhất được bố mẹ chờ đợi thiết tha, thì người đó không thể hiện hữu như một mục đích nơi chính mình : một ngôi vị như vậy chỉ được khẳng định cho những mục tiêu bên ngoài những lợi ích của họ và được những người chung quanh chấp nhận chỉ như những đặc điểm gien học được phục vụ cho một mục đích riêng tư. Vì quyết định sản sinh ra một nhân vị như thế chỉ là dành cho một mục đích xa lạ hoặc hoàn thành mục tiêu của thành phần thứ ba, nên ngay từ lúc đầu của cuộc hiện sinh, người đó đã bị tước đoạt cái khả năng dẫn dắt cuộc đời mà trước đây chưa được sống và không được tôn trọng trong một căn tính đúng ra không chịu ai kiểm soát, và trong ý nghĩa này thì hoàn toàn là “ngẫu nhiên”. Tương tự với quyền được không biết mà con người có, họ không thể bị bó buộc phải biết đến những hiểm nguy cho đời sống gắn liền trong bản chất gien học và sinh học của mình, trong viễn tượng những khả năng về những chuỗi tăng bội thể gien con người, một quyền cho sự ngẫu nhiên nơi cá nhân cần phải được đề ra để bảo vệ con người khỏi sự can thiệp có kế hoạch của những ai tạo ra nó.

Ở đây, điểm quyết liệt nhất không phải là chuyện con người kiểm soát được thể gien của người khác, hoặc là con số những cá nhân đều chia sẻ cùng một bản chất về gien. Tính cách cá biệt của ngôi vị và tính độc nhất không thể tương nhượng của con người không chấm dứt nơi chuyện hoạch định về gien của họ : đúng ra, việc khai triển căn tính của ngôi vị phải có chỗ trong tiến trình của việc trao đổi mở rộng giữa cấu trúc tự nhiên với môi trường, điều này mới chỉ được xác định phần nào bởi chương trình gien học nền tảng. Do đó thể gien của con người không thể bị coi như chiếc xe đặc biệt vận chuyển căn tính ngôi vị của con người. Tuy nhiên, bản chất gien nền tảng làm nên bộ khung tự nhiên cho việc phát triển căn tính ngôi vị tương lai của con người. Cùng với những yếu tố xác định khác trong cuộc sống thể lý của chúng ta, thể gien cá nhân đòi hỏi một tự do luân lý về mặt sinh học, mà dựa trên nền tảng của tính thống nhất tâm thể nơi ngôi vị, thì đó là tiền đề cho ý tưởng về phẩm giá con người và vì có khả năng cơ bản đưa ra một hoạch định có trách nhiệm về đời sống, nên nó phải được kể vào những điều cần được bảo vệ.

Trong những tài liệu của huấn quyền Giáo hội, đã thấy yêu cầu rằng con người có quyền có được nguồn gốc hiện hữu ngẫu nhiên từ tiến trình sinh sản tự nhiên mà trong đó phải có sự tham gia của hai người cha mẹ về mặt sinh học, quyền này không phải là hậu quả của phẩm giá riêng biệt của tiến trình sinh sản mà tự nó đã có phẩm cách về luân lý và không thể bị vi phạm. Quyền cho ngôi vị con người được sản sinh bởi cha mẹ mình theo đường lối tự nhiên, tức là nguyên việc tổng hợp ngẫu nhiên hai tế bào nhân để tạo nên một thể gien cá nhân con người mới đã đòi phải bảo vệ chống lại chuyện trở thành đối tượng cho việc hành xử gien học và việc xác định tính cách đặc dị bởi một thành phần bên ngoài. Vấn nạn cho rằng những cha mẹ sinh học cũng giống y các ông bà về mặt gien học đã mất đi điểm quyết liệt, vì trong tiến trình sinh sản, các cha mẹ tác động như những hữu thể tự nhiên vốn không có ảnh hưởng hữu ý trên việc cấu thành căn tính gien của con cái mình. Cũng không thể qui chiếu sự cố sinh đôi của một hợp tử trong tự nhiên để coi đó như một vấn nạn vững chắc cho thứ luận cứ từng được đẩy tới. Không như việc nhân bản vô tính con người, những anh chị em sinh đôi không hoàn toàn đồng nhất theo ý nghĩa là mọi thông tin về di truyền của chúng đều được xác định bởi một cá nhân xa lạ. Hẳn nhiên chúng có thừa kế thể gien chung với nhau, song điều này không xuất xứ từ việc sao chép một gien độc nhất nhưng là từ hai người cha mẹ sinh học, mà do bản chất ngẫu nhiên của tiến trình sinh sản, nên không bao giờ sản xuất lại được một thể gien hoàn toàn có cùng một bản chất. Hơn nữa, tiến trình nhân bản vô tính lại có thể lặp lại vô cùng, nên theo đường lối này thì bất cứ bao nhiêu vật mẫu giống nhau của một thể gien nguyên thủy đều có thể được sản xuất, và điều này không hề có trong thiên nhiên.

Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là những cặp song sinh từ một hợp tử thì khác biệt với thứ được nhân bản vô tính bởi vì chúng hiện hữu cùng thời với nhau. Chúng cùng đi vào hiện hữu, và cả hai đều có tương lai đằng trước hoàn toàn biệt lập khỏi nhau, đang khi những thứ gì được nhân bản vô tính lại luôn luôn bị áp đặt bởi những kỳ vọng và những dự báo vốn đã xảy ra trong đời của những người đi trước chúng. Ở đây, cùng với Hans Jonas, chúng ta phải ghi nhớ rằng con người chỉ có thể được tự do thực sự nếu họ không biết đến tương lai và số phận của mình, đang khi những gì nhân bản vô tính được diễn ra trong thời gian và kế tục nhau, đến độ mà trong thí nghiệm có giả thiết, chúng ta có thể đặt mình vào những hoàn cảnh của các hữu thể đó, bị kết án phải sống một cuộc hiện sinh quái dị mà không chút phẩm chất tự nhiên cũng như tính tự phát. 

K’Bao chuyển ngữ

Nguyên tác: Eberhard Schockenhoff. First Sheep, then Human Beings? Theological and Ethical Reflections on the Use of Gene Technology

Nguồn: http://catechesis.net