Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu

 
 

Chúa Giêsu đã đón nhận mọi diễn biến dồn dập xảy đến với long khiêm nhường tự hạ để chu toàn thánh ý Chúa Cha.  Chúng ta được mời đón nhận thập giá của mình trong đời sống hằng ngày để bước theo Chúa Giêsu.

1. Bữa tiệc Vượt Qua

Bữa tiệc Vượt Qua hằng năm người Do Thái long trọng cử hành để tưởng nhớ bữa ăn vượt qua xưa kia Môi sen truyền cho họ giết con chiên ăn vội vàng và trong đêm đó họ đã ra đi vội vã để ra khỏi xứ ai cập theo lệnh truyền của Thiên Chúa.

Trong bữa tiệc vượt qua hằng năm để tưởng niệm thì có những nghi thức chính yếu đó, họ sẽ giết và ăn thịt chiên, đồng thời người gia trưởng trong gia đình sẽ đọc lời chúc tụng trên chén rượu và trên tấm bánh. Trong tường thuật của Tin mừng Marcô ghi rõ là thời điểm lúc bấy giờ là 2 ngày trước lễ vượt qua của người Do thái, dân chúng kéo về Giêrusalem đông để mừng lễ và đây là lúc những thượng tế lên kế hoạch để bắt và giết Chúa Giêsu. Cũng lúc đó chính Giuđa là một trong nhóm 12 tông đồ đi tìm những thượng tế để nộp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu biết mọi sự sẽ xảy ra nhưng người đón nhận mọi diễn biến sẽ tới theo thánh ý Thiên Chúa.

Vào đúng ngày sát tế chiên vượt qua cũng là ngày thứ nhất của tuần lễ bánh không men, Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi chuẩn bị phòng để thầy trò mừng lễ Vượt Qua.

Chiều đến, khi mặt trời lặn, Chúa Giêsu vào bàn ăn lễ vượt qua với các môn đê, người báo trước việc một trong các môn đệ sẽ nộp người, phù hợp với những gì đã được báo trước bởi lời thánh vịnh 41,10: “Người bạn thân mà con vẫn tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con.” Các môn đệ hỏi người muốn nói ai, nhưng Chúa Giêsu chỉ trả lời chung chung không xác định ai nhưng người lại tiên báo vận mệnh bi thảm của kẻ nộp người: “Con người ra đi theo những gì đã được báo trước, nhưng khốn cho kẻ nộp con người thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

Vào thời điểm cuối cùng cuộc đời, Chúa Giêsu rõ rệt dùng cách nói Con người là tước hiệu đã được báo trước trong sách Dn 7,13-14. Đây là Con người huyền nhiệm đến từ mây trời và được Chúa Cha trao cho mọi vương quyền trên trời dưới thế. Chúa Giêsu đã nhiều lần đồng hóa mình với Con người huyền nhiệm này. Người biết người bị trao nộp trong tay kẻ thù cũng như bởi người thân tín, nhưng Chúa Giêsu cũng xác tín người sẽ chiến thắng và đạt được vương quyền mà Chúa Cha sẽ trao cho ngài.

2. Thiết lập Bí tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể là quà tặng cao quí nhất mà Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ cũng như cho Giáo hội và cũng là theo dự định đời đời của Thiên Chúa cho loài người. Chúa Giêsu đã thực hiện  hoàn tất những lời hứa trước của Thiên Chúa qua các tiên tri. Bánh là nhu cầu sinh tồn của con người. Có bánh để nuôi sống con người trong hành trình trần thế, thì Thiên Chúa còn ban cho loài người bánh thần linh, bánh sự sống cho con người được sống đời đời. Và máu chính là sự sống, và máu được dùng để ký kết giao ước giữa Thiên Chúa và loài người. Lần này giao ước được ký kết cách quyết định, không phải bằng máu bò như trong giao ước xưa mà bằng chính máu của Con Thiên Chúa làm người vì thế trở nên giao ước quyết định, hoàn tất những gì mà Thiên Chúa hứa thực hiện cho loài người.

Theo Tin mừng Marco 14,22 “trong khi thầy trò ngồi vào bàn ăn, người cầm lấy bánh đọc lời chúc tụng bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là mình thầy, hiến tế vì an hem,  các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến thày”. Lời hứa về lương thực thần linh đã được hứa trong sách Châm ngôn 9,5-6: “Hãy dến mà ăn bánh và uống rượu ta đã dọn sẵn. Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các ngươi sẽ được sống. Hãy bước đi trên con đường hiểu biết”.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy thường xuyên qui tụ và cử hành lễ tạ ơn để tưởng nhớ đến cái chết cứu độ của người. Người trao tặng cho các ông Mình thánh người, chịu hiến tế trên thập giá, và mời gọi các ông tưởng niệm cái chết này để hiện tại hóa công trình cứu độ đẩm máu của người. Khi các môn đệ qui tụ, họ sẽ nhớ đến thầy Giêsu, và họ sẽ cùng nhau lắng nghe những giáo huấn của Thầy và họ được nuôi dưỡng bằng lời hằng sống của Thầy.

3. Ý nghĩa của việc thiết lập Thánh Thể

Chúa Giêsu cũng đọc lời tạ ơn trên chén rượu: “Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đê và nói: Đây là máu giao ước của Thầy đổ ra vì anh em”. Để hiểu, cần đọc lại nghi thức giao ước trên núi Sinai Xh 24,1-8. Khi đó, Môi sen đã ra lệnh giết bò dâng lễ tế Thiên Chúa, một phần máu rảy trên bàn thờ tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa, và một phần khác rảy trên dân chúng như dấu chỉ ký kết giao ước. Khi Chúa Giêsu nói đây là máu giao ước của thầy đổ ra vì anh em, Chúa Giêsu muốn ám chỉ đến cái chết của người như là giao uớc mới giữa Thiên Chúa và dân người. Giao ước này sẽ là giao ước quyết định vì được ký bằng chính máu của người, nên trong giao ước mới này, được ký kết trong máu của Chúa Giêsu, các môn đệ hiểu rằng họ phải dấn thân thi hành những lời của Thầy Giêsu. Những lời của Chúa Giêsu trên bánh và rượu đều được định vị trên những gì đã được Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ khi người còn sống với các ông. Người là vị vua cứu thế, là chính Con Thiên Chúa và là khôn ngoan của Thiên Chúa đến nói cho loài người con đường sự sống của Thiên Chúa. Nhất là máu người đổ ra là giao ước mới và là giao ước quyết định, bức thư do thái sẽ khai triển điều này.

Đức Kitô là vị thượng tế thánh thiện vẹn toàn và được nâng cao trên các tầng trời. Trong khi các thượng tế khác mỗi ngày họ đều phải dâng lễ hy sinh, trước là để đền tội cho chính mình, sau là để đền tội cho toàn dân, còn Người thì dâng chính mình, và chỉ dâng một lần là đủ. Vì thế, Chúa Giêsu là vị thượng tế cao cả ngự bên hữu Thiên Chúa ở trên trời, Chúa Giêsu là trung gian của giao ước mới, hoàn hảo hơn, giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.

4. Câu chuyện Chúa Giêsu bị bắt ở vườn Cây dầu

Kết thúc bữa ăn Vượt qua, thầy trò hát kinh Hallel, đó là những thánh vịnh 115-118 và các ngài đi lên núi cây dầu. Chúa Giêsu nói tiên tri các môn đệ sẽ vấp ngã và bỏ chạy. Phêrô và các môn đệ khác đều thề sẽ không bỏ Thầy. Sau đó thầy trò đến nơi gọi là Gếtsêmani. Chúa Giêsu để các môn đệ ở lại và người đi riêng ra để cầu nguyện và chỉ đem theo 3 môn đệ thân tín là Phêrô, Giacobê và Gioan. Người nói với họ “Linh hồn thầy buồn đến chết, hãy ở lại đây và cầu nguyện”. Mồ hôi người đổ ra như máu rơi xuống đất. Tâm hồn Chúa Giêsu cam thấy buồn và xao xuyến cực độ, người cầu nguyện với Chúa Cha xin qua khỏi chén đắng này nhưng xin theo ý Cha. Người nhắc các môn đệ hãy tỉnh thức và cầu nguyện với người vì tinh thần thì mau lẹ mà thể xác thì nặng nề. Lần thứ ba người trở lại và thấy các ông còn đang ngủ, người nói với họ: "Thôi đứng lên, giờ đã tới rồi, giờ con người bị nộp vào tay phường tội lỗi, đứng dậy, kìa kẻ nộp thầy đã tới." Chúa Giêsu đã có những tâm trạng của một con người thực sự, như lo âu sợ hãi, dầu vậy người bình tĩnh, tin tưởng và yêu mến Chúa Cha cũng như yêu mến các môn đệ.

Lúc bấy giờ, Giuđa là người môn đệ đã dẫn đám quân lính có gươm giáo gậy gộc do các thượng tế sai tới, và Giuđa cho họ một dấu hiệu là cái hôn để nộp thầy. Phản ứng cuối cùng của các môn đệ là chém đứt tai một tên đầy tớ của thượng tế, sau đó các môn đệ bỏ chạy hết, chỉ còn một người thanh niên sau đó cũng bỏ chạy trần truồng.

Đứng trước những việc xảy ra, Chúa Giêsu đã tỏ ra lo buồn, người buồn đến mức độ đổ mồ hôi máu, nhưng sức mạnh của người do bởi người cầu nguyện, người xin các môn đệ cầu nguyện với người, người cầu nguyện tha thiết với Chúa Cha, xin vâng theo thánh ý Cha. Người quyết định vâng phục theo thánh ý Chúa Cha dù phải đón nhận cái chết sẽ xảy ra như thế nào. Người quyết định không dùng vũ lực để chống lại những người đến bắt người, người cũng không chạy trốn để khỏi phải bị bắt, nên người tiến ra đón nhận cái hôn phản bội của Giuđa để bị bắt, người ôn tồn nói với những người đến bắt người với gươm giáo gậy gộc.

Chúa Giêsu hiền lành nhưng rất mạnh mẽ đứng trước giờ người chịu khổ nạn. Chúa Giêsu thể hiện tình yêu và long vâng phục đối với thánh ý của Chúa Cha, người biết mọi sự xảy ra theo thánh ý tốt lành của Cha.

5. Tòa án ở Thượng Hội Đồng Do Thái và tòa án Philatô xét xử Chúa Giêsu

Sau đó, đám thuộc hạ của thượng tế điệu Chúa Giêsu đến dinh thượng tế và thượng hội đồng do thái đã nhóm họp và họ tìm chứng cứ kết án Người.

Chứng cứ đưa ra là những lời của Chúa Giêsu về đền thờ nói rằng cứ phá đền thờ đi nội trong ba ngày Người xây dựng lại. Nhưng họ cũng bất đồng. Sau cùng vị thượng tế đứng lên hỏi Chúa Giêsu có phải người là Đáng Kitô, con Thiên Chúa không. Chúa Giêsu khẳng định người là Đấng Kitô và cũng là Con Thiên Chúa. Chúa Giêsu dùng hình ảnh Con người trong tiên tri Dn 7, một con người được Thiên Chúa trao vương quyền thống trị mọi dân nước: “Phải, tôi là Đức Kito. Các người còn thấy Con người ngự bên hữu Đấng toàn năng và đến trên mây trời”, và vị thượng tế đã kết án người nói phạm thượng. Và phiên xử ở thượng hội đồng do thái kết thúc.

Đám thuộc hạ bắt đầu đánh đập và phỉ nhổ người. Nói cho cùng, lý do giới thượng tế thù ghét và muốn giết Chúa Giêsu là việc người tự nhận mình là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, xúc phạm đến niềm tin Thiên Chúa của họ. Ngoài ra còn là thái độ của Chúa Giêsu đối với đền thờ. Thượng tế và Thượng hộ đồng Do thái lo sợ vì thái độ của Chúa Giêsu: Người đã long trọng vào thành Giêrusalem và được đón tiếp long trọng, Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán trong đền thờ như thế chứng tỏ quyền bính của người, và giới thượng tế lo sợ cho quyền bính của họ.

Sau đó họ đưa Chúa Giêsu ra trước tòa án Philatô. Dân chúng tố cáo Chúa Giêsu xúi dân làm loạn. Và vụ án lần này xoay quanh câu hỏi xem Chúa Giêsu có phải là vua người Do thái không. Người bị xét xử vì lý do chính trị là xúi dân nổi loạn chống lại chính quyền Roma. Trước câu hỏi của Philatô: “Ông có phải là vua người do thái không”, Chúa Giêsu chỉ trả lời: “Ngài vừa nói đó”.

Philatô không tìm ra lý do gì để kết tội Chúa Giêsu, nên ông tìm cách cứu Chúa Giêsu bằng cách dựa theo tập tục Roma là phóng thích một người tù theo dân chúng xin. Nên ông hỏi xem họ có muốn phóng thích Chúa Giêsu là vua người do thái không. Nhưng dân chúng la to xin tha cho Baraba và đóng đinh ông Giêsu.

Vụ án kết thúc và Chúa Giêsu bị điệu đi đến đồi sọ và chịu đóng đinh giừa hai tên gian phi. Trưa ngày thứ Sáu, Chúa Giêsu đã chết, phó thác thần khí.

            Lời kết

Đằng sau thái độ của dân chúng là sự xúi giục của giới thượng tế, họ hiểu rằng hành động của Chúa Giêsu xúc phạm đến quyền bính của họ. Chúa Giêsu cho thấy sự can đảm của Người, cho thấy một trật tự mới mà người đến thiết lập. 

Như Gioan Tẩy giả đã bị giết chết vì chu toàn sứ mạng, Chúa Giêsu đã làm những hành động có tính tiên tri này như người đã xác định: Người có sứ mạng làm chứng ở Giêrusalem, Người cho thấy đã đến lúc chấm dứt vai trò của đền thờ cũng như của giới lãnh đạo Do thái. 

Đứng trước cái chết của Chúa Giêsu, lại một lần nữa tự do của con người được đặt ra hơn lúc nào hết. Những lời gào thét: "Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó vào thập giá" lại là tiếng la to của dân Chúa. Những lời kết án này nói lên những tư tưởng thầm kín của long người: kết án một Thiên Chúa yêu thương con người hết mực. Những lời kết án này cũng nói lên một tôn giáo chỉ biết thờ phượng Thiên Chúa ngoài môi miệng mà lòng thì xa cách Chúa.

Nhưng Thiên Chúa có kế hoạch diệu kỳ, đó là sự tự hạ thẳm sâu vâng phục của Con Thiên Chúa. Chính sự tự hạ thẳm sâu kỳ diệu của người Con một của Thiên Chúa cho đến chết lại thay đổi tất cả. Satan đã chiếm được tất cả nhưng nó không thể chiến thắng được người Con một của Thiên Chúa này, và cuối cùng chiến thắng của người Con một này lại làm nên chiến thắng cho toàn thể nhân loại.

Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Người biết tất cả, Người biết rằng, dù cho Satan có lôi kéo được mọi người về phe nó, nghĩa là dù cho người có bị giết chết bởi các thượng tế kỳ mục hay quân vô đạo, nhưng ngày thứ ba người sẽ sống lại, và những ai dám liều mất mạng sống mình như thế cũng sẽ giữ được mạng sống mình. Đối với Chúa Giêsu, chính khi dám hy sinh mạng sống mình, Người tìm gặp lại mạng sống đó, vì không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu.   

Lm Phêrô Lê Văn Chính
Giáo sư Giáo phụ học và Lịch sử Tín điều
Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn

Nguồn: https://tgpsaigon.net/