Con người luôn chú tâm, luôn bận tâm về những câu hỏi nền tảng của phận người. Tại sao con người không ngừng hỏi? Vì nếu không hỏi thì không còn là người! Tại sao con người cứ hỏi mãi mà không thôi? Vì không có câu trả lời chung cục. Vì còn sống, con người còn hỏi, và câu hỏi lại nằm ngay trong câu trả lời. Trong đời người, có lẽ câu hỏi căn bản và khó trả lời nhất là: Tôi là ai? Con người là ai? Để trả lời câu hỏi hóc búa này, có thể nói cách giản lược, con người cần trả lời đồng thời bốn câu hỏi then chốt.
Tôi có thể biết gì?
Tôi phải làm gì?
Tôi tin vào ai?
Con người là ai?
Hành trình A-B-C-D: Có người đi tìm cách trả lời câu hỏi D như là điểm tới của cả tiến trình vất vả từ A tới B qua C. Những người này, có thể nói, điểm xuất phát của họ là cái đầu suy tư (A). Họ là người tìm lý thuyết (A) trước khi áp dụng (B). Họ biết (A) và sống (B) trước khi tin (C). Có thể nói, thánh Augustine là nhân vật tiêu biểu cho hành trình này: A (tri thức) – B (đạo đức) – C (niềm tin) – D (biết chính mình).
Hành trình D-A-C-B: Có người đi tìm cách trả lời cho câu hỏi D như là điểm khởi cho cả một hành trình từ A tới C qua B. Những người này, có thể nói, điểm xuất phát của họ là câu hỏi về căn tính của chính mình (D). Họ cần biết chính mình (D) rồi mới học hỏi (A) cùng với niềm tin (C), sau đó mới là dấn thân trong cuộc sống (B). Có thể nói, thánh Inhaxio Loyola là nhân vật tiêu biểu cho hành trình này.
Tôi có thể biết gì?
Tôi có thể biết theo cung cách của con người
Con người có thể biết theo cung cách của con người. Thứ nhất, theo Kant, tri thức bắt đầu với kinh nghiệm, nhưng không chỉ bắt nguồn từ kinh nghiệm. Nếu không có các dữ kiện của kinh nghiệm, thì tri thức con người trống rỗng. Mặt khác, nếu không có việc xử lý các dữ kiện thì các dữ kiện chỉ là sự hỗn độn và không thể trở thành tri thức. Việc xử lý này được thực hiện nhờ các phạm trù tiên thiên, tức là nhờ cấu trúc của trí khôn con người. Thế nên, tri thức luôn là loại tri thức tiên thiên tổng hợp. Tiên thiên là do các phạm trù.
Tổng hợp là nhờ kinh nghiệm. Thứ hai, cấu trúc của trí khôn dù có tính phạm trù “cứng” theo nghĩa là các nguyên tắc như Kant phát biểu, thì nó vẫn có tính biến thiên “mềm” theo nghĩa tâm lý phát triển nhận thức như Piaget cho thấy. Tùy từng độ tuổi và đặc điểm tâm lý, mà khả năng nhận thức và cách thức nhận thức có sự tiến triển khác nhau. Thứ ba, kinh nghiệm có thể được hiểu theo ba khía cạnh. Một là kinh nghiệm giác quan theo quan niệm của Hume. Hai là kinh nghiệm có tính tâm lý dưới góc độ phân tâm học và tâm lý phát triển. Ba là kinh nghiệm tâm linh trong các tôn giáo.
Chú thích: Kant, Phê phán lý tính thuần túy
Tôi có thể biết dựa vào kinh nghiệm của tôi
Con người có thể biết dựa vào kinh nghiệm của chính mình. Nhấn mạnh đến cấu trúc, là thường nhấn mạnh đến tính nguyên tắc, tính phạm trù, và có thể quy vào tính tiên thiên; tuy nhiên, kinh nghiệm cũng có cấu trúc riêng của kinh nghiệm. Loại cấu trúc này gần với định kiến, thành kiến, hơn là tiên thiên. Theo Husserl, ngay cả trong quá trình kinh nghiệm, thì kinh nghiệm cũng tự định hình các cấu trúc, các thể loại. Cách cụ thể, khoa học tự nhiên có rất nhiều lý thuyết. Các lý thuyết này một mặt hỗ trợ con người trong nhận thức, mặt khác tự giới hạn con người trong những phạm vi được vạch sẵn.
Do đó, để kinh nghiệm tránh được rào cản, thì lý thuyết cần lùi một bước để trở thành giả thuyết, tức là con người cần biết đóng ngoặc khi kinh nghiệm, để thể giới sống có thể diễn tả tất cả sức sống và sự tươi mới của nó cho sự hồn nhiên trong sáng của trực giác. Tuy nhiên, dù có đóng ngoặc và hồn nhiên, con người vẫn cần những kết luận cụ thể cho quá trình kinh nghiệm. Đây chính là sự giảm trừ hiện tượng luận. Kết luận này mang đậm nét của thời tính, của chủ thể, của sự rộng mở, nên luôn cần được hoàn thiện. Do đó, kinh nghiệm đảm bảo cho tính chắc chắn của tri thức, nhưng chắc chắn không đảm bảo chính xác được là chắc chắn ở mức độ nào.
Chú thích: Husserl, Các suy niệm Descartes
Tôi có thể biết nhờ tương giao
Trong tương giao, tôi có thể biết. Thứ nhất, tôi có thể biết nhờ những bận tâm bên trong và những tương giao với bên ngoài. Nhu cầu sinh tồn là điều căn bản phải đối diện, khi ấy tôi tương tác với thế giới tự nhiên để sử dụng, để vun trồng, để làm chủ. Khi ấy, trí khôn con người phát triển các khoa học tự nhiên cũng như các kỹ thuật. Khi sống chung với người khác, con người tự nhiên có nhu cầu tương giao để hiểu nhau, ngay cả để thực hiện mục đích riêng. Từ đó, phát sinh các khoa học xã hội và nhân văn, cũng như các lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên, trong tương giao với vạn vật và với người khác, tôi khám phá ra rằng, con người có thể bị vật hóa, bị tha hóa. Thế nên, con người cần được giải phóng ở cả cấp độ cá nhân và tập thể. Phương pháp bạo lực dẫn tới hủy diệt, còn phương pháp của từng chủ thể thường dẫn tới bá quyền.
Thứ hai, con người có thể biết nhờ tương giao với nhau trong tự do, bình đẳng, và không vũ lực. Đây là những điều kiện lý tưởng để định hướng con người cùng nhau nhận thức. Tương giao được cụ thể hóa thành lời nói và hành động. Với ngôn-hành đồng nhất, con người cùng nhau tìm hiểu và hướng tới sự đồng thuận trong cộng tác. Tuy nhiên, để tương giao không trở thành tâm lý đám đông, thì cần có phê phán; nhưng nếu phê phán mà thiếu tương giao thì sẽ dẫn tới bạo lực. Do vậy, với tương giao, không phải là tôi biết hay bạn biết nữa, mà là chúng ta biết.
Chú thích: Habermas, Lý thuyết về hành vi tương giao
Tôi phải làm gì?
Tôi phải làm điều mà ai cũng phải làm
Bổn phận là mệnh lệnh tuyệt đối, áp dụng cho mọi người và là điều nhất thiết phải làm vì chính nó, chứ không vì mục đích nào khác. Nghĩa là, nó cần thiết cách khách quan, và tôi phải làm điều ai cũng phải làm. Theo Kant, có ba châm ngôn. Thứ nhất, hành động như thể phương châm hành động của bạn có thể trở thành luật phổ quát. Nền tảng của nguyên tắc là: sự vật trong thiên nhiên hoạt động theo các định luật, chỉ có các hữu thể có lý trí mới có khả năng hành động theo quan niệm nhận thức về luật.
Thứ hai, hành động sao cho bạn đối xử với con người, dù nơi chính mình, hay với người khác, trong mọi trường hợp, như là mục đích tự tại, chứ không bao giờ chỉ như phương tiện. Nền tảng của nguyên tắc là: bản chất của lý trí tồn tại như là một mục đích tự tại. Thứ ba, hành động sao cho ý chí đồng thời tự coi nó như đang làm một luật phổ quát bằng chính phương châm của nó. Nền tảng của nguyên tắc là: tính tự trị của ý chí. Trọng tâm của khái niệm “tự trị” của ý chí, là ý niệm tự do. Kant nói, nếu tính tất yếu vật lý là thuộc tính của luật nhân quả trong thế giới tự nhiên, thì ý chí là một loại quy tắc nhân quả của hữu thể có lý trí, và tự do là thuộc tính của quy tắc nhân quả này.
Chú thích: Kant, Phê phán lý tính thực hành
Tôi được trao tặng quy luật có tính thực hành
Con người được trao tặng luật tự nhiên để sống đạo đức. Khi tập trung vào vai trò của Thiên Chúa, như là Đấng trao ban luật, thì luật tự nhiên là một phần trong sự quan phòng của Ngài. Khi tập trung vào vai trò của con người trong việc tiếp nhận luật, thì luật tự nhiên định hình các nguyên tắc của lý trí thực hành. Từ các nguyên tắc này mà lý trí con người phán đoán là hợp lý hay phi lý. Hơn nữa, luật tự nhiên không chỉ ràng buộc mọi người một cách phổ quát, mà nó còn có thể được nhận biết một cách phổ quát. Con người dù tội lỗi và sai lầm, thì những quy tắc phổ quát của luật tự nhiên vẫn in sâu nội tại trong họ, và họ vẫn có khả năng nhận ra luật ấy.
Tuy nhiên, khi sai lầm và phạm tội, có thể họ lãng quên và vi phạm những quy luật đặc thù vốn được rút ra từ các quy luật phổ quát của luật tự nhiên. Tuy nhiên, luật tự nhiên có thể thay đổi trong các quy luật đặc thù theo nghĩa: có thể có thêm các khoản luật hữu ích cho đời sống, có thể bãi bỏ một số quy luật không cần thiết hoặc sai lầm. Chân lý đạo đức căn bản là “làm điều thiện, tránh điều ác”. Từ chân lý này, phát sinh tự nhiên thành bốn chân lý: bảo vệ sự sống và chăm sóc sức khỏe, khuynh hướng truyền sinh và giáo dục con cái, tìm kiếm chân lý, sống hòa hợp trong xã hội. Hành vi được gọi là có đạo đức, là vì có tự do. Tự do chỉ có khi lý trí hiểu biết về chọn lựa, và ý chí có khả năng để thực hiện việc chọn lựa.
Chú thích: Thomas Aquinas, Tổng luận thần học
Tôi kinh nghiệm luật đúng-sai mà tôi không thể chối bỏ
Nếu không có quy tắc để chơi đẹp, để hành động tử tế thì con người có thể đánh nhau như những con thú và con người không thể tranh luận với nhau trong ngôn ngữ loài người. Khi tranh luận, người ta cố gắng cho thấy rằng, người khác có điều gì đó sai lầm. Chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn và tôi cố gắng làm điều gì đó, mà trước hết chưa có sự đồng thuận nào đó về điều gì là Đúng điều gì là Sai.
Trong khi cơ thể bị điều khiển bởi luật hấp hẫn, các cơ phận bị điều khiển bởi luật sinh học, và con người không có chọn lựa nào khác ngoài việc tuân phục các định luật này, thì con người có thể chọn lựa để tuân phục hay từ chối luật Đúng-Sai, tức luật của bản tính con người. Có hai điều cần nhấn mạnh. Thứ nhất, tất cả con người trên mặt đất đều có cùng ý tưởng lạ lùng rằng, con người phải hành xử một cách đúng đắn, và thực sự không ai có thể chối bỏ cách hành xử ấy. Thứ hai, trong thực tế, con người không hành xử theo cách đúng đắn. Con người biết đúng-sai, nhưng con người phá bỏ luật ấy. Hai thực tế này là nền tảng cho tất cả những suy tư mạch lạc về chính chúng ta và về thế giới của chúng ta.
Chú thích: C.S. Lewis, Mere Christianity
Tôi tin vào ai?
Tôi có khả năng chưa tin vào một Đấng Siêu Việt
Con người có khả năng chưa tin vào một Đấng Siêu Việt. Thứ nhất, con người chưa biết Đấng ấy. Ở Hy Lạp, có hệ thống các thần để tin thờ, với sự phân chia cao thấp và theo chức năng khác nhau, nhưng không nói rõ về một Đấng Siêu Việt. Plato nói tới vị Chúa trong việc sắp xếp vũ trụ trong Timaeus, ông cũng nói tới sự tốt lành của Chúa trong Nền cộng hòa, nhưng khi thực hành, ông vẫn tới đền thờ các thần. Tại Trung Hoa, Khổng Tử và Mạnh Tử có nói tới Thiên, nhưng Thiên có phải là một Đấng Siêu Việt không, thì không rõ ràng.
Đạo và Nhất trongĐạo đức kinh, hay Vô cực và Thái Cực trong Kinh dịch chỉ như sức mạnh hoặc nguyên lý, không có gì chắc chắn để chỉ về một Đấng Siêu Việt. Ấn giáo diễn tả mơ hồ về Brahman còn Phật giáo gần như không nói gì về một Đấng Siêu Việt, ngay cả có trường phái phủ nhận Đấng ấy. Thứ hai, chưa tin vì con người chưa thoát được ảo tưởng của sự vô nghĩa. Một mặt chưa đi sâu được vào kinh nghiệm đức tin của mình, mặt khác phải đối diện với những gương xấu trong đời sống đức tin của người khác, mà Feuerbach kết luận: Thiên Chúa chỉ là sự phóng chiếu của con người. Đối diện với cuộc đời đen tối, Sartre có thái độ buồn nôn và lựa chọn nói không với niềm tin vào Chúa. Ở lối nhìn khác, Camus chỉ thấy đời là phi lý, thấy cần sống hết mình, nhưng không đi tìm ý nghĩa cuộc đời vì cuộc đời không có ý nghĩa để tìm.
Chú thích: Bối cảnh văn hóa (Hy Lạp, Trung Hoa, Ấn Độ) và Lựa chọn của cá nhân (Feuerbach, Sartre, Camus)
Tôi có thể tin vào một Đấng Siêu Việt trong nhiều cách thế
Niềm tin vào một Đấng Siêu Việt được mặc khải và được thừa nhận. Nếu đi từ trên xuống, các tôn giáo dựa vào mặc khải như Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo tuyên xưng niềm tin vào một Đấng Tối Cao. Niềm tin này vừa dựa vào mặc khải vừa rất hữu lý. Trí khôn con người có thể đón nhận, có thể hiểu các chân lý niềm tin, nhưng không thể chứng minh các chân lý ấy. Nếu đi từ dưới lên, nền tâm linh Đông Phương diễn tả sự mở ngỏ của trí khôn con người trước niềm tin vào một Đấng Siêu Việt.
Ở Ấn Độ, Sankara thực hiện con đường tri thức và chiêm nghiệm mà khám phá ra sự đồng nhất giữa cái tôi sâu thẳm với Brahman Siêu Việt. Bằng con đường tu luyện, Madhva nhận thấy, con người ngày càng tiến gần về Brahman, nhưng không bao giờ đồng nhất với Ngài. Ở Trung Hoa, dù Thiên trong Khổng giáo không trực tiếp chỉ về một Thiên Chúa, nhưng Thiên mở ngỏ cho niềm tin vào một Thiên Chúa; dù Đạo trong Lão giáo có thể chỉ về một sức mạnh chứ không trực tiếp nói về Chúa, thì sức mạnh này có thể được hiểu là quyền năng của Đấng Tạo Hóa.
Đây là các lý do mà Ricci khi truyền đạo Kitô tại Trung Hoa, cả giới trí thức và người bình dân đều dễ dàng đón nhận niềm tin vào một Thiên Chúa. Với Phật giáo, có trường phái từ chối bàn về Thiên Chúa, nhưng có những trường phái thuộc Đại Thừa hoặc Thiền Tông thừa nhận niềm tin vào một Đấng Siêu Việt hoặc mở ngỏ niềm tin này.
Chú thích: Tôn giáo mặc khải (Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo) và Lý trí tìm kiếm (Ấn giáo, Khổng-Lão, Phật giáo)
Con người là ai?
Con người luôn hướng thượng và hướng tha
Con người luôn hướng thượng và hướng tha. Theo Plato, trong tác phẩm Nền cộng hòa, sự hướng thượng của con người là xu hướng tự nhiên và là tiến trình ra khỏi hang để hướng Thiện. Ra khỏi hang gồm hai giai đoạn. Một là, người tù “không còn bị xiềng” để có thể “bỗng dưng” quay đầu, chuyển từ nhìn cái bóng sang nhìn sự vật. Họ phải tin rằng đây là vật thật, trước kia chỉ là bóng hình. Nguồn sáng khi ấy là ngọn lửa. Hai là, con người “bị ép buộc” rời khỏi hang để có kinh nghiệm nhìn sự vật dưới ánh sáng mặt trời, sau đó là nhìn chính mặt trời, nguồn sáng đích thực. Họ bắt đầu nối kết được hình bóng với vật thật, và cuối cùng là cội nguồn.
Quá trình nối kết là suy gẫm; khi hiểu thấu là đạt được tri thức, tri thức là cái thiện. Hai cuộc chuyển đổi đều vất vả, nhưng người ta sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để ra khỏi hang. Theo Aristotle, trong tác phẩm Đạo đức, với lý tính và xã hội tính, con người luôn hướng tha và đỉnh cao là tình bạn. Ba nguồn động lực của tình bạn là: vì lợi ích, vì sở thích, vì nhân đức. Chỉ khi tình bạn vì nhân đức, thì mới là tình bạn đúng nghĩa và bền vững. Tuy nhiên, tình bạn vì nhân đức, không loại trừ hai loại tình bạn còn lại. Hơn nữa, tình bạn nhân đức, cũng là một tiến trình; trong đó, nếu một người tiến bộ còn người kia tụt lùi, hoặc hai người không tiến lên ngang nhau, thì tình bạn có thể cũng không còn, và dễ rơi vào dĩ vãng.
Chú thích: Hướng thượng (Plato: “triết lý giáo dục” trong The Republic) và Hướng tha (Aristolte: “tình bạn” trong The Nicomachean Ethics)
Con người luôn hướng nội với độ sâu không dò thấu
Con người luôn hướng nội với độ sâu không dò thấu. Với phương pháp nội quan, Augustine khám phá ra chính mình nơi sâu thẳm của tâm hồn trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Thiên Chúa cao hơn chỗ cao nhất của ông và sâu hơn chỗ sâu nhất của ông. Augustin tiếc nuối vì đã bỏ quá nhiều công sức để đi tìm Thiên Chúa và đi tìm chính mình ở bên ngoài. Với lý trí sắc bén, Thomas Aquinas phân tích cho thấy, con người là hợp thể xác hồn. Thân xác và linh hồn hòa quyện thành một.
Linh hồn không hề có trước thân xác, mà bắt đầu hiện hữu cùng với thân xác. Khi con người chết, linh hồn tách rời khỏi thân xác, nhưng linh hồn bất tử vẫn đợi chờ thân xác sống lại. Lối suy tư này vừa kết nối hài hòa giữa tư tưởng Aristotle với tư tưởng Thánh Kinh, vừa hữu lý sâu sắc. Theo một lối khác, Anselm nhấn mạnh yếu tố đức tin: tin để hiểu. Không thể hiểu Thiên Chúa, nếu trước đó chưa tin Ngài. Cũng thế, không thể hiểu con người là ai, nếu trước đó chưa tin chiều sâu không dò thấu của con người nơi hình ảnh của Thiên Chúa.
Tựu trung, con người tìm thấy mình trong chiều sâu của tâm hồn: với Augustine thì đó là tình yêu, với Thomas thì đó là trí khôn, với Anselm thì đó là niềm tin. Chiều sâu này cũng là một tiến trình, tiến trình theo quan niệm của Whitehead. Con người trong tiến trình và Thiên Chúa cũng trong tiến trình, không chỉ là từ tiềm năng tới hiện thể, vì hiện thể vẫn tiếp tục sống.
Chú thích: Augustine: nội quan; Aquinas: suy tư; Anselm: niềm tin; Whitehead: tiến trình
Tạm kết
Có nhiều cách kết nối thành một hành trình từ bốn câu hỏi nền tảng trên. Tuy nhiên, người viết chỉ đề xuất hai hành trình: A-B-C-D và D-A-C-B. Bởi lẽ, A-B-C-D là hành trình tương tự như cấu trúc mà Kant đề xuất, và điều này thuận tiện cho việc trình bày mang tính hệ thống. D-A-C-B được đề xuất, bởi lẽ đây là hành trình mà người viết nhận thấy am hợp cho bản thân mình.
Tôi không ngừng thao thức cho tới khi trả lời được câu hỏi về căn tính (D). Trong Tập Viện Dòng Tên, tôi đã trả lời được cho chính mình: tôi là con người bất toàn và phức tạp nhưng được tha thứ và yêu thương, tôi được gọi mời theo Thầy Giêsu để rồi được sai đến với người khác.
Sau đó, tôi mới bắt đầu học tập và suy tư thực sự (A), để rồi với những kinh nghiệm đức tin xương máu (C), tôi mới mong trưởng thành để có thể biết sống (B) giữa đời với người theo cung cách của Con Người Giêsu mà tôi nhận thấy căn tính đích thực của mình nơi Thầy.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, SJ
Học viện Dòng Tên
nguồn:dongten.net