Có thuốc chữa khỏi thoái hóa khớp?

Suckhoedoisong.vn - Tôi 56 tuổi, gần đây thấy hiện tượng khớp gối của mình thi thoảng bị đau. Khi ngồi xổm đứng lên rất khó khăn. Đi khám, bác sĩ cho biết tôi bị thoái hóa khớp và kê đơn trong đó có ibuprofen, glucosamin... Tôi vẫn đang dùng thuốc theo đơn bác sĩ, nhưng muốn hỏi uống các thuốc này bệnh của tôi có khỏi hẳn được không? Có cách nào để phòng ngừa thoái hóa khớp?

Nguyễn Thị Mùi (Nam Định)

Thoái hóa khớp gối, đau khớp gối là tình trạng phổ biến xuất hiện ở lứa tuổi trung niên trở lên, gây đau nhức, sưng đỏ khớp và hạn chế vận động chi dưới. Đây là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học làm mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn.

Nguyên tắc điều trị là giảm đau trong các đợt tiến triển; phục hồi chức năng vận động của khớp, hạn chế và ngăn ngừa biến dạng khớp; và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh...

 
 

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị thoái hóa khớp mà chỉ có thuốc hỗ trợ làm chậm lại quá trình thoái hóa. Tùy theo tình trạng thoái hóa khớp mà bác sĩ kê dùng các thuốc sau hoặc phối hợp các thuốc này: Thuốc giảm đau như: ibuprofen (mà bác sĩ đang cho chị dùng) hoặc celecoxib, diclofenac...; các thuốc bổ trợ như glucosamin sulfa (có trong đơn thuốc của chị) hoặc chondroitin sulfat... hoặc thuốc làm chậm quá trình tổn thương khớp như diacerein, piascledine...

Trong trường hợp bệnh nhân bị thoái hóa khớp nặng, bác sĩ có thể tiêm phối hợp thuốc giảm đau có chứa corticoid, thuốc giãn cơ hoặc tiêm thay thế dịch khớp để bôi trơn, nuôi dưỡng sụn khớp... Tuy nhiên, khi dùng các thuốc này cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Người bệnh không được tự ý mua về dùng.

Thoái hóa khớp là một tất yếu của tuổi già, vì thế không có thuốc điều trị khỏi hẳn. Nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giúp cho bệnh tiến triển chậm lại, có thể hạn chế di chứng xấu của bệnh. Việc tập luyện, vận động đúng mức, phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng giúp làm chậm quá trình lão hóa này. Trong trường hợp khớp thương tổn nhiều quá (không đi lại được nhất là khớp gối, khớp háng) có thể phải thay khớp nhân tạo.

Để phòng thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp gối nói riêng, cần có chế độ sinh hoạt, luyện tập, ăn uống khoa học, hợp lý, nhất là từ sau 40 tuổi (chú ý bổ sung canxi và vitamin D qua ăn uống); tránh các tư thế không phù hợp hoặc động tác đột ngột, quá mạnh khi làm việc, sinh hoạt; kiểm soát cân nặng, tránh béo phì để giúp giảm áp lực lên các khớp xương và đi khám sớm ngay khi có biểu hiện bất thường về xương khớp...

 

DS. Hoàng Thu Thủy