Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên Thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Globocan năm 2018, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 sau ung thư gan với 23,667 ca mắc.
Mặc dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị, nhưng vẫn có đến 80% bệnh nhân ung thư phổi nhập viện khi đã ở giai đoạn cuối. Bệnh nhân có các các triệu chứng như ho dai dẳng, ho ra máu, đau ngực, khó thở, sút cân hay triệu chứng của các cơ quan bị di căn như não, xương, gan, thượng thận… Khi đó, điều trị toàn thân bằng hóa chất, điều trị đích hay điều trị miễn dịch có hay không có kết hợp với xạ trị được xem xét sử dụng nhằm cải thiện triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.
Điều trị đích là biện pháp sử dụng các thuốc có khả năng tác dụng vào tế bào ung thư dựa trên cơ sở của sự xuất hiện các đột biến gen như EGFR, ALK, ROS1… để điều trị ung thư mà hầu như không có tác dụng lên tế bào lành. Đây là biện pháp có thể được chỉ định dù thể trạng của bệnh nhân kém, nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có được cơ hội này.
Điều trị miễn dịch gần đây nổi lên như một biện pháp đầy hứa hẹn để điều trị nhiều loại ung thư trong đó có ung thư phổi. Nhưng bên cạnh việc cần xét nghiệm biểu lộ của PD-1 hoặc PD-L1 thì đây cũng là một biện pháp điều trị đắt tiền với đa số bệnh nhân ung thư tại Việt Nam và chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
Vì vậy, hóa trị liệu vẫn là một biện pháp được sử dụng nhiều hơn cả, khi đó, đòi hỏi bệnh nhân cần có một thể trạng tốt để có thể dung nạp được liệu pháp này.
Tuy nhiên, một vấn đề rất lớn hiện nay đó là nhiều bệnh nhân dù thể trạng còn rất tốt, nhưng vì "có bệnh thì vái tứ phương", nghe theo người này mách bảo, người kia chỉ lối mà từ bỏ các biện pháp điều trị đặc hiệu để sử dụng các phương thức khác như điều trị đông y, thực dưỡng hoặc tập pháp luân công để khỏi bệnh. Đây là các biện pháp chưa có bằng chứng khoa học về việc có thể điều trị khỏi ung thư.
Nhiều bệnh nhân sau một thời gian điều trị bằng các biện pháp không đặc hiệu này, ung thư tiếp tục tiến triển, thể trạng yếu đi, suy kiệt và khi quay trở lại bệnh viện thì đã "trễ" với các biện pháp điều trị đặc hiệu. Theo thống kê, có đến 30% bệnh nhân ung thư tử vong vì suy kiệt, suy dinh dưỡng trước khi tử vong vì căn bệnh ung thư. Đó là một điều rất đáng buồn.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư phổi
Chẩn đoán sớm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện, điều trị ung thư phổi kịp thời.
- Chụp X-quang ngực: là phương pháp chụp các cơ quan, xương bên trong lồng ngực. Phương pháp này có thể phát hiện bất thường hoặc khối u trên phổi nhưng có thể bỏ qua những khối u có kích thước quá nhỏ. Vì vậy, bên cạnh chụp X-quang ung thư phổi, người bệnh thường được chỉ định kết hợp với chụp CT lồng ngực.
- Cắt lớp vi tính lồng ngực: giúp bác sĩ phát hiện các bệnh lý ở xương sườn, màng phổi, nhu mô phổi, phế quản, mạch máu, tim, trung thất,... So với chụp X-quang, chụp CT có thể phát hiện được cả các khối u kích thước nhỏ, xác định tốt đặc điểm khối u, tình trạng hạch trung thất qua đó giúp đánh giá giai đoạn bệnh.
- Nội soi phế quản: Được chỉ định cho hầu hết những trường hợp u có khối u phổi.
- Mô bệnh học: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư phổi. Các bác sĩ có thể sinh thiết lấy một mẩu khối u qua nội soi phế quản với u trung tâm hoặc sinh thiết xuyên thành ngực với u ngoại vi để làm xét nghiệm.
- Các chất chỉ điểm u như SCC, CEA, Cyfra 21-1, NSE tăng đóng vai trò định hướng đến ung thư phổi.
- Nguồn:https://dantri.com.vn