Chăm Sóc Bệnh Nhân Mãn Tính và Bệnh Nhân Giai Đoạn Cuối

5.2.3    Bệnh Nhân Mãn Tính và Bệnh Nhân Ở Giai Đoạn Cuối

5.2.3.1   Cái chết êm dịu.

Sự kính trọng đối với sự sống từ lúc bắt đầu, và tiếp tục trong suốt đời sống cho tới lúc kết thúc tự nhiên của nó. (10) Thuật ngữ "cái chết êm dịu" có nghĩa là cái chết được cung cấp hay tìm kiếm bằng cách sử dụng những phương thức có tính toán và cố tình gây ra cái chết này (cái chết êm dịu chủ động) hay cái chết do bỏ qua hay không làm những hành động mà có thể ngăn ngừa cái chết. Trường hợp thứ hai này thường được gọi một cách không đúng là cái chết êm dịu thụ động, là một từ ngữ mơ hồ và không thích hợp, vì hoặc là một hành động cố tình tiêu diệt sự sống con người (do làm hay không làm) hay chỉ là tránh sử dụng những phương thức trị liệu mạnh mà xem ra vô ích (trong trường hợp này không phải là cái chết êm dịu.)

Áp dụng cùng một nguyên tắc hiệu quả đôi đã được dùng đối với việc phá thai, không phải là cái chết êm dịu khi có hành động nhằm cải thiện tình trạng bệnh tật của một người (ví dụ để giảm đau) mà hành động này cũng tất yếu dẫn tới cái chết nhanh hơn, dù không cố tình.

Bổn phận bảo đảm mọi người được chết một cái chết xứng với phẩm giá con người có nghĩa là trong mọi trường hợp, mọi người phải được điều trị cho tới giây phút cuối cùng của đời họ. Vì có sự khác biệt cơ bản giữa chữa trị và chăm sóc, không một bệnh nhân nào mà không thể được chăm sóc, mặc dù có những bệnh nhân không thể chữa trị. Việc nuôi ngoài bằng tĩnh mạch, săn sóc vết thương, vệ sinh thân thể và những điều kiện thích hợp về môi trường là những quyền bất khả xâm phạm của mọi bệnh nhân, và không thể tước mất của họ những quyền lợi này cho tới giây phút cuối cùng của đời họ.

5.2.3.2   Di chúc lúc còn sống.

Di chúc lúc còn sống là một chứng từ nói lên ước muốn của một người để bảo đảm rằng những giá trị và xác tín của người ấy được tôn trọng nếu do thương tật hay đau ốm họ không có khả năng diễn tả chúng. Nói riêng, trong di chúc lúc còn sống, người ta yêu cầu thi hành quyền lợi của họ trong những hoàn cảnh mà họ không muốn được điều trị một cách quá mức hay không cần thiết; họ không muốn cái chết bị kéo dài một cách vô lý; và họ muốn giảm đau đớn bằng sử dụng những thuốc thích hợp, cho dù hậu quả của chúng có thể giảm bớt tuổi thọ của họ.

Khi tuyên bố một ý định như thế, di chúc lúc còn sống chắc chắn là tốt và đáng khuyến khích. Nó biểu lộ rõ người bệnh muốn các thày thuốc điều trị họ như thế nào vào giờ phút cuối cùng của đời họ. Ngày nay, di chúc còn sống không có hiệu lực pháp lý theo nghĩa hẹp của từ ngữ, và vì thế một bộ phận lớn của xã hội ngày nay tỏ ra có lý khi đòi hỏi phải có sự bảo vệ pháp lý đối với di chúc còn sống, để khi có tranh chấp, toà án có thể giải quyết trên cơ sở của luật chuyên biệt.

Hội Thánh không thể chấp nhận bất cứ điều gì gây ra cái chết, cho dù đó là ước muốn của người trong cuộc và do người này tự do bộc lộ. Những hạn chế về quyền tự do định đoạt sự sống mình nhờ sự can thiệp của thành phần thứ ba trong trường hợp bị bệnh bất trị hay mất khả năng vĩnh viễn, đến độ sự can thiệp đó trực tiếp gây ra cái chết, cho thấy rõ sự khác biệt giữa một di chúc còn sống có thể chấp nhận được đối với người Công giáo và những hình thức biểu lộ khác.

Ngoài vấn đề di chúc còn sống, cũng phải xét đến những hình thức khác của việc bảo vệ các quyền của bệnh nhân khi các thành phần thứ ba phải hành động cho một bệnh nhân mất khả năng. Việc này đòi hỏi sự nhìn nhận hợp pháp của người giám hộ được ủy quyền để lấy những quyết định y khoa. Người giám hộ này do bệnh nhân chọn có thể quyết định với cùng quyền hành như chính bệnh nhân, về những hành động nào là tốt nhất để bảo vệ lợi ích của bệnh nhân xét như một con người toàn diện.

5.2.3.3   Cân nhắc mức độ tương xứng giữa việc điều trị và điều trị vô ích.

Các bệnh viện của chúng ta được lập ra để cổ võ và bảo vệ sức khoẻ, vì vậy chúng không thể coi cái chết như điều gì xa lạ phải gạt ra một bên, mà coi cái chết như một phần cốt yếu của đời sống và là điều đặc biệt quan trọng cho sự hoàn thành viên mãn và siêu việt của bệnh nhân. Vì vậy mọi bệnh nhân có quyền không bị ngăn cản để lãnh trách nhiệm về biến cố sự chết của mình, hơn nữa, họ phải được giúp đỡ để làm điều này hợp với tôn giáo của họ và ý nghĩa đời sống của họ. (11) Điều này có nghĩa là, ngoại trừ trường hợp cần thiết thực sự và cấp bách, bệnh nhân không thể bị che giấu hay từ chối sự thật, và không được ngăn trở họ hưởng mối quan hệ của họ với gia đình, bạn bè, các cộng đồng tôn giáo và chính trị của họ. Đây là cách duy nhất để bảo đảm tính nhân đạo của Y khoa trong những giây phút quyết định này của đời sống con người.

Hiển nhiên, điều này có nghĩa bệnh nhân phải cảm nghiệm cái chết của mình với đầy đủ trách nhiệm và phẩm giá con người. Mặc dù không được phép trực tiếp gây ra cái chết, nhưng không được cung cấp một việc trị liệu vô hiệu quả đối với việc kéo dài đời sống hay chất lượng đời sống, mà chỉ là kéo dài một cách vô ích những đau đớn của cái chết bằng việc trị liệu vô ích. Mọi người có quyền được chết một cách xứng đáng và thanh thản, không phải chịu đựng những đau đớn không cần thiết, và mọi việc điều trị phải được cung cấp cho bệnh nhân tương xứng với nhu cầu của họ, chứ không được quá đáng. (12)

5.2.3.4   Điều trị giảm đau.

Có thể nói ngay từ thời sơ khai con người đã thực hành việc điều trị giảm đau mỗi khi đứng trước giai đoạn "chót" của một căn bệnh, vừa tìm cách giảm nhẹ nó bằng những thứ thuốc có thể có, vừa giúp đỡ, an ủi và ở bên người hấp hối cho tới giây phút cuối cùng. Ngày nay chúng ta có một ý tưởng tinh vi hơn về loại điều trị này, với một hệ thống cơ cấu cao hơn để xử lý nó (trong các viện Điều dưỡng, trong các khoa điều trị giảm đau, v.v...). Những điều kiện mới này cho phép chúng ta không bỏ mặc những người mắc bệnh nan y phải đau đớn một cách vô vọng. Điều trị giảm đau vì vậy là một sự "điều trị toàn diện" được cung cấp cho con người như một hình thức toàn diện để đáp ứng mọi yêu cầu của việc chăm sóc bệnh nhân. (13)

Trong thực tế, điều trị giảm đau có nghĩa chính xác là làm những gì cần phải làm cho bệnh nhân đặc biệt này. Chắc chắn nó không chữa được bệnh nhân, vì nó không thể. Nhưng nó bao gồm cả một loạt các việc trị liệu (đôi khi đòi hỏi rất nhiều về mặt kỹ thuật) để có thể bảo đảm một chất lượng đời sống tốt cho thời gian còn lại.

Vì những lý do này, mọi cơ sở của Dòng Trợ Thế đang chăm sóc những bệnh nhân trong thời kỳ cuối phải bao nhiêu có thể cung cấp những khoa điều trị giảm đau để làm cho giai đoạn cuối căn bệnh của bệnh nhân có thể chịu đựng nổi, đồng thời cống hiến cho bệnh nhân sự trợ giúp nhân đạo cân xứng.

5.2.4        Các vấn đề liên quan tới việc nghiên cứu trên con người

5.2.4.1   Các thử nghiệm lâm sàng.

Nghiên cứu là một trong những "đầu tàu" đã đẩy mạnh sự tiến bộ y khoa. Cùng với một số những khám phá tình cờ, như các chất kháng sinh hay quang tuyến X, việc nghiên cứu là tác nhân dẫn đến mọi thành tựu của khoa học hôm nay. Việc nghiên cứu không còn được thực hiện đóng kín trong các phòng thí nghiệm hay giới hạn trên súc vật nữa, mà còn trực tiếp trên người. Phương thức thí nghiệm này không phải một sự chọn lựa của một số nhà nghiên cứu nào, mà đã trở thành một nhu cầu sống còn, nhất là đối với một số loại thuốc mới. Sau những thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và trên súc vật, mọi loại thuốc phải được thử nghiệm lần đầu tiên trên người. Rõ ràng trong trường hợp này, con người không được sử dụng như một vật thí nghiệm, mà chỉ là để tìm ra cách tốt nhất có thể áp dụng việc điều trị đang thử nghiệm, để rồi cũng có thể sử dụng cho những người khác sau này. Việc nghiên cứu trên người chỉ có thể thực hiện với một số điều kiện khắt khe được nêu rõ trong các tuyên ngôn và hiến chương quốc tế. (14) Và vì việc nghiên cứu này chủ yếu được thực hiện trong các bệnh viện, nên các Trung tâm của chúng ta phải biết rõ những điều kiện này và áp dụng chúng một cách cẩn thận.

Điều kiện thứ nhất là mọi thí nghiệm phải thực hiện với giả thiết là các kết quả sẽ là có ích. Nói cách khác, phải đưa ra thị trường một loại trị liệu hay một loại thuốc chưa có trước đây vì nó tốt hơn một trị liệu hay một thuốc khác vì nhiều lý do: hiệu quả hơn, ít rủi ro hơn, rẻ hơn, dễ dàng phân phối hơn, v.v...

Hiển nhiên mọi việc thí nghiệm phải được thực hiện với sự đồng ý của người liên hệ. Để bảo đảm giá trị của sự đồng ý này, người ưng thuận phải hoàn toàn tự do. Có nghĩa là không được gây một ảnh hưởng nào trên người ấy, dù là âm thầm hay thậm chí có áp lực "tinh thần", như cách nói có quyền của bác sĩ, hay mối e sợ rằng nếu không ưng thuận, bệnh nhân có thể sẽ không được điều trị đúng mức.

Sự ưng thuận này cũng phải có đầy đủ sự hiểu biết, để bệnh nhân biết rõ mình đang là một thành phần của một cuộc thí nghiệm lâm sàng và biết rõ các rủi ro cũng như lợi ích, các chọn lựa, các sự bảo hiểm, v.v... Một điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự ưng thuận này có đủ sự hiểu biết, đó là bệnh nhân phải biết chính xác tình trạng bệnh lý của mình. Không được phép che giấu sự thật đối với bệnh nhân một cách vô thời hạn và thường xuyên. Bệnh nhân phải biết tình trạng sức khoẻ của mình vào mọi lúc. Nhưng không có nghĩa là không được thông báo sự thật dần dần hay chờ đợi thời gian thông báo, và chia sẻ với các thân nhân của người bệnh. Và chắc chắn không có nghĩa là bệnh nhân phải được thông báo với bất kỳ giá nào một khi họ đã nói rõ ràng họ không muốn biết sự thật. Cũng không buộc giải thích sự thật về những hiệu quả phụ xa xôi và có thể xảy ra. Chỉ cần nói sự thật một cách đúng mức.

Để bảo đảm việc ưng thuận là đúng và hoàn toàn, các Nhà hay các Tỉnh phải soạn ra một mẫu đơn đặc biệt để sử dụng cho mục đích lâm sàng trong các Trung tâm khác nhau. Điều quan trọng cơ bản là mọi nhân viên chăm sóc sức khoẻ phải ý thức rằng việc đòi hỏi sự ưng thuận không phải một thủ tục pháp lý nhằm bảo vệ các bác sĩ, mà là một quyền lợi của bệnh nhân, và theo nghĩa này nó đòi hỏi nghĩa vụ đạo đức của các nhân viên chăm sóc sức khoẻ.

5.2.4.2   Nghiên cứu trên những người mất khả năng và những nhóm người dễ bị tổn hại bệnh.

Tất cả những điều vừa nói trên đây về việc thử nghiệm lâm sàng trên những cá nhân có khả năng về pháp lý và đạo đức, nghĩa là những người có khả năng hiểu rõ người ta nói gì và làm gì cho họ, và có sự ưng thuận với đầy đủ hiểu biết, nhưng không thể chỉ nói riêng về những nhóm người đó. Chúng ta vẫn chưa nói đến những nhóm bệnh nhân như trẻ em, những người mắc bệnh tâm thần và những người bị hôn mê, những nhóm người này cũng cần có những phương pháp trị liệu mới. Vì vậy phải nghĩ ra những hình thức "ủy quyền" cho những người có quan hệ gắn bó mật thiết với bệnh nhân hay những người có điều kiện để luôn luôn quan tâm tới lợi ích của bệnh nhân. Trong những điều kiện này và sau khi cân nhắc khả năng chấp nhận sự rủi ro mà bệnh nhân có thể gặp với những lợi ích mà họ có thể nhận được, các việc thử nghiệm loại này có thể được thực hiện một cách hợp pháp.

Một vấn đề đặc biệt nảy sinh liên quan đến việc thí nghiệm trên những người lành mạnh. Khó có thể tìm ra những người chấp nhận chịu thí nghiệm loại này mà không đánh đổi lấy một thứ gì khác. Thường là những tù nhân chấp nhận thí nghiệm để đánh đổi lấy việc họ được giảm hạn tù. Việc thực hành này thường được biện minh như một thứ "tiền chuộc" mà họ trả lại cho xã hội. Trường hợp khác là những sinh viên được trả tiền cho một dịch vụ, hay có những trường hợp các "vật người thí nghiệm" được mua  trong các nước thuộc thế giới thứ ba bằng những khoản tiền rẻ mạt. Khỏi phải nói, yêu cầu cơ bản trong những trường hợp này là các cá nhân liên hệ phải hoàn toàn tự do trong việc chấp nhận làm thí nghiệm lâm sàng và không bao giờ được có sự xúc phạm nhân phẩm của họ. Trong các trung tâm của mình, chúng ta phải rất cẩn thận để bảo đảm mọi việc thử nghiệm trên những người lành mạnh phải luôn được thực hiện với sự ưng thuận hoàn toàn tự do của họ và với những bảo đảm cân xứng rằng không có những rủi ro quan trọng nào xảy ra.

5.2.4.3   Nghiên cứu trên phôi và thai.

Về việc thí nghiệm tiền sinh sản, có hai hoàn cảnh cơ bản. Thứ nhất, các thí nghiệm trên các phôi dư thừa do các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tạo ra. Thường người ta thực hiện các cuộc thí nghiệm này bằng sự biện minh dựa trên những lợi ích giả danh nhân đạo, cho rằng thà "sử dụng" cái phôi còn hơn là tiêu diệt nó hay đặt nó vào rủi ro bị đóng băng. Hoàn cảnh thứ hai có thể xảy ra là việc thực hiện thí nghiệm trên những phụ nữ có thai mà đã yêu cầu phá cái thai đó. Ở đây cũng vậy, người ta lý luận rằng cái thai được "sử dụng" bởi vì đàng nào nó cũng sẽ bị phá. Trong thực tế, cho dù những nghiên cứu này có vẻ sẽ mang lại lợi ích cho những con người khác, nhưng kết quả thực sự của nó là cố ý sử dụng con người như một phương tiện, dù là vì một lý do cao cả, khiến con người không còn là một "mục đích" nữa mà chỉ là một "phương tiện". (15)

Hoàn cảnh hoàn toàn khác đối với việc trị liệu thử nghiệm, dù có thể có những rủi ro, vì trong loại thử nghiệm này, cái thai có thể được lợi. Đương nhiên cái lợi phải có khả năng cao hơn hoàn cảnh không thí nghiệm hay với việc sử dụng một phương pháp trị liệu khác.

5.2.4.4    Các Ủy Ban Đạo Đức Sinh Học.

Để cổ võ việc nghiên cứu, các bệnh viện lập ra các Ủy Ban Nghiên Cứu Lâm Sàng để phát triển những lãnh vực khác nhau của việc nghiên cứu lâm sàng và dược lý. Các Ủy Ban này cũng là một nguồn đào tạo và huấn luyện giúp khuyến khích và nuôi dưỡng các cơ hội suy tư, cung cấp thông tin, đổi mới và tạo lập ý thức trong lãnh vực chăm sóc, khoa học, giảng dạy, và quản trị.

Các Ủy Ban Đạo Đức phải được thiết lập hay cổ võ tại mỗi Trung Tâm của Dòng, và có nhiệm vụ bảo vệ sự độc lập và tự trị của bệnh nhân cũng như bảo đảm rằng các quyền lợi của bệnh nhân được tôn trọng. Các ủy ban này phải có cơ cấu cân xứng để đại diện cho mọi thành viên trong Cơ sở mà họ thuộc về và trên hết họ phải là những cá nhân có chuyên môn về lãnh vực đạo đức.

Không phải mọi quốc gia đều có một bộ luật cho lãnh vực đạo đức, và việc thiết lập các Ủy Ban này cũng thay đổi tùy theo mỗi nước. Ở một số nước có các Ủy Ban "quốc gia" trong khi ở một số khác có các Ủy Ban cấp bệnh viện. Một số Ủy Ban chỉ lo việc nghiên cứu, số khác lo những vấn đề lâm sàng. Một số hoàn toàn độc lập, trong khi số khác liên kết với một tổ chức nào đó, v.v...

Bất luận dưới hình thức nào, các Ủy Ban Đạo Đức đều có ba chức năng chính sau đây:

Thứ nhất là chức năng cho phép. Các Ủy Ban chịu trách nhiệm về việc xem xét các cuộc thí nghiệm thuộc cả nội khoa lẫn ngoại khoa. Vì vậy các Ủy ban được yêu cầu cho ý kiến của mình sau khi cân nhắc mọi điều kiện cho phép thực hiện cuộc thử nghiệm (lý do cơ bản của việc nghiên cứu, tỉ lệ giữa rủi ro và lợi ích, sự bảo vệ bệnh nhân, sự ưng thuận có hiểu biết, v.v...).

Thứ hai là chức năng tư vấn, khi họ được yêu cầu bởi một thành phần thứ ba (các nhân viên chăm sóc sức khoẻ, bệnh nhân, các tổ chức bên ngoài, v.v...) để đưa ra ý kiến của mình về những vấn đề có ảnh hưởng đạo đức quan trọng, hay để làm sáng tỏ những hoàn cảnh có xung đột nơi lương tâm của những nhân viên chăm sóc sức khoẻ.

Thứ ba là chức năng văn hóa, các Ủy ban này có thể đưa ra những hướng dẫn về thái độ đạo đức hay tổ chức các sự kiện (hội nghị, sách báo, v.v...) nhằm cổ võ khả năng và trình độ chuyên môn cao hơn về đạo đức nơi các nhân viên và các tổ chức trong lãnh vực chăm sóc sức khoẻ.

Ngoài ra, tuy đây không phải là một chức năng của họ theo nghĩa chặt, các Ủy ban này có thể có một ảnh hưởng lớn đối với việc đào tạo. Thực vậy, họ có thể được coi là những công cụ đào tạo theo đúng nghĩa để khơi dậy sự nhậy cảm đạo đức nơi các Tu huynh cũng như các Cộng tác viên trong các Trung tâm của chúng ta.

5.2.5        Những vấn đề đặt ra do ngành y khoa dự đoán

5.2.5.1   Tiết lộ sự chẩn đoán.

Ngành y khoa dự đoán được thực hành trong nhiều trung tâm của chúng ta ngày nay đặt ra những vấn đề đạo đức sinh học chưa từng được đặt ra trước đây. Vấn đề thứ nhất là việc thông báo sự chẩn đoán. Phải thông báo cho ai? Bệnh nhân, thân nhân của bệnh nhân, hay cả hai? Tiêu chuẩn đạo đức chung của việc nói sự thật cho bệnh nhân xác định rằng, tuy không phải là người duy nhất, bệnh nhân phải là người trước nhất có quyền biết sự thật, cho dù căn bệnh trầm trọng đến đâu. Thực ra, chính khi việc chẩn đoán xấu thì vấn đề lại là đặc biệt cấp bách.

Vấn đề về các căn bệnh di truyền cũng không là một ngoại lệ đối với luật này. Tuy nhiên, tính chất đặc thù của nhiều căn bệnh loại này, trong đó một số thành viên trong gia đình có thể bị ảnh hưởng theo nghĩa lâm sàng, đòi hỏi phải đặt ra cùng một câu hỏi như trên. Đương nhiên không thể phân tích đầy đủ vấn đề này, và phải cẩn thận xem xét riêng từng trường hợp, lưu ý tới những "quyền lợi" của mọi con người chịu ảnh hưởng, dành ưu tiên tuyệt đối cho bệnh nhân (mà không bao giờ được tước bỏ của họ điều gì là tư riêng nhất đối với họ) nhưng phải lưu tâm đầy đủ tới nhu cầu của những người thân của họ, nếu hoàn cảnh đòi hỏi.

5.2.5.2   Mẫu gen và việc bảo về sự tư riêng.

Trong những giai đoạn sắp tới của nghiên cứu y học, đang mở ra khả năng cho sự hiểu biết đầy đủ về mẫu gen của mỗi cá nhân, không chỉ theo nghĩa cấu trúc sinh lý của họ, mà quan trọng hơn, đó là khả năng hiểu rõ hơn những căn bệnh tiềm tàng. Tuy rằng đây là một điều kiện thiết yếu để bảo đảm có thể chữa trị các căn bệnh đó một ngày nào đó trong tương lai (qua công nghệ gen) nhưng khả năng này cũng nêu lên những vấn đề đạo đức học nghiêm trọng.

Vấn đề thứ nhất liên quan tới sự tư riêng và sự giữ bí mật dữ liệu này. Việc cất giữ dữ liệu này trong những "ngân hàng gen" có thể là một hình thức nguy hiểm cho các vụ tống tiền hay xâm nhập sự tư riêng của một cá nhân. Thực ra vấn đề này cũng giống hệt vấn đề xâm nhập các hồ sơ bệnh án hay xâm nhập máy vi tính. Tuy nhiên, đây là việc nêu lên một vấn đề cũ, đó là vấn đề giữ bí mật về các thông tin tư riêng, nhưng theo những hình thức khác. Có lẽ điều đáng lưu ý nhất ở đây là tính chất thâm sâu và "mật thiết" của một sự xâm nhập vào những gì là bí mật nhất của cấu tạo con người. Nhưng những tiêu chuẩn áp dụng trong những trường hợp khác cũng được áp dụng ở đây.

Vấn đề thứ hai cũng gắn liền với vấn đề trên, đó là về một thứ "thẻ căn cước di truyền" của mỗi cá nhân, mục tiêu cao nhất của ngành y khoa dự đoán mà ngày nay đang được nói đến rất nhiều. Một dụng cụ như thế có thể phát sinh những vấn đề gì? Nó có thể ảnh hưởng thế nào đối với sức khoẻ tâm lý của một người, khi biết rằng mình đang mang những căn bệnh di truyền khác nhau hiện chưa phát hiện ra về mặt lâm sàng nhưng vẫn tiềm ẩn nơi mình? Nó ảnh hưởng thế nào đối với vấn đề chọn người bạn đời? Chung chung trong quá khứ người ta luôn luôn nói rằng việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân để ngăn ngừa các bệnh di truyền là điều chính đáng. Đây có thể là phương án cuối cùng. Nhưng nó có thể chi phối sự chọn lựa của một cá nhân về mặt tình yêu không? Chắc chắn viễn tượng này còn rất xa vời, nhưng chúng ta phải chuẩn bị kịp thời cho viễn tượng ấy.

Một khía cạnh cuối cùng và thực tiễn hơn, nhưng cũng không kém quan trọng bởi nó liên quan đến những hệ quả và những vấn đề nghiệp vụ về sự bảo hiểm. Một ngày nào đó trong tương lai, một người chủ có thể đòi hỏi "thẻ căn cước di truyền" (giống như ngày nay người ta đòi hỏi giấy khám sức khoẻ) và vì thế loại bỏ mọi công nhân không thích hợp, hoặc bây giờ hay trong tương lai. Đây sẽ là một hình thức phân biệt đối xử lao động rất nghiêm trọng và đứng trước tình trạng này, triết lý chăm sóc của các Trung tâm của chúng ta phải bảo đảm có sự bảo hiểm nhằm bảo vệ các công nhân này, vì nếu không, điều này có thể tạo nên những hình thức nghèo khổ mới trong tương lai.

5.2.6   Các vấn đề đạo đức trong hoàn cảnh bị loại trừ và bị nghèo túng

5.2.6.1   Các người nghiện ma tuý.

Ở mọi thời và trong mọi cộng đồng, luôn luôn có những hình thức lệ thuộc thể lý hay tâm lý vào những chất kích thích khác nhau, thường mang một màu sắc pháp thuật hay tôn giáo, nhưng chỉ hôm nay vấn đề này mới mang những chiều kích đạo đức và xã hội to lớn đến như thế. Lý do chính là việc sử dụng chất kích thích đang lan rộng ngày nay, đặc biệt trong thành phần giới trẻ, gây tai hại cho cả cá nhân và xã hội.

Đây là một vấn đề rất phức tạp và Dòng Trợ Thế chúng ta được kêu gọi xem xét nó dưới những quan điểm khác nhau. Trước hết là dưới khía cạnh chăm sóc sức khoẻ do vấn đề này nêu lên: công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, các phương pháp lâm sàng giúp cai nghiện và việc điều trị nội khoa những biến chứng.

Thứ hai, vì những biện pháp tâm lý và giáo dục phải đuợc chọn để giúp những con người này khắc phục sự lệ thuộc tâm lý của họ. Khắc phục sự lệ thuộc thể lý tương đối còn dễ, nhưng khắc phục sự lệ thuộc tâm lý thì không dễ chút nào. Bởi vì, trừ khi có một ý chí mạnh để lấp đầy khoảng trống giá trị đã dẫn tới việc nghiện ngập, người nghiện sẽ không bao giờ thắng được cuộc chiến chống lại việc lạm dụng chất kích thích. Đây là lý do khiến Hội Thánh hiện diện khắp nơi trên thế giới trong một số cơ cấu của mình (các viện bác ái, các cộng đồng trị liệu) và nhờ đó đã giúp cho những con nghiện trước đây được hoàn toàn phục hồi và lấy lại địa vị của mình trong xã hội.

Sau cùng, chúng ta không được quên chiều kích xã hội của sự cam kết này của Dòng Trợ Thế, hoàn toàn phù hợp với đặc sủng của mình. Bởi vì rõ ràng nạn nghiền ma tuý là một trong những hình thức "mới" của sự nghèo đói mà chúng ta nói đến quá nhiều hôm nay, và Dòng được mạnh mẽ kêu gọi để cung cấp một lời giải đáp. (16)

Đương nhiên, những hoạt động này không được mâu thuẫn với những vụ việc công cộng, nhưng phải bổ túc cho những việc phục vụ ấy. Nói thế không có nghĩa là chúng ta nhất thiết phải tán thành những biện pháp pháp lý hay xã hội đã được chấp nhận, nếu chúng không phù hợp với sứ mạng đoàn sủng của các Trung tâm của chúng ta.

Dưới nhiều khía cạnh, nạn nghiền ma tuý cũng giống các hình thức nghiện ngập khác, như nghiện rượu chẳng hạn. Vì ở một số nước trên thế giới, nạn nghiện rượu quá tràn lan khiến nó là một vấn đề có tầm mức cao hơn nạn nghiền ma tuý rất nhiều. Hơn nữa, các thành phần xã hội liên quan thì đa dạng hơn nhiều, và đây cũng là một sự kích thích lớn hơn để Dòng dấn thân một cách hữu hiệu trong lãnh vực này.

5.2.6.2   Các nạn nhân AIDS.

Sự lan tràn căn bệnh này hiện nay và những đặc tính xã hội cá biệt của nó đòi hỏi Dòng chúng ta tìm ra một giải đáp lành mạnh cho vấn đề này, có thể tóm lược trong những sáng kiến đa dạng sau đây.

Trước hết phải là văn hóa. Tránh thái độ phân biệt đối xử với những người này, bên trong cũng như bên ngoài. Điều này trở nên rất cần thiết trong mọi trường hợp chăm sóc sức khoẻ mà các nạn nhân có HIV dương tính hay đã phát triển bệnh AIDS đang được điều trị trong những bệnh viện đa khoa vì những lý do khác nhau (sơ cứu, cần giải phẫu, v.v...) và vì thế chia sẻ tình trạng bệnh nhân nội trú của họ với những bệnh nhân khác và những khách đến thăm.

Thái độ tiếp đón và mở rộng này cũng phải được biểu hiện một cách thích hợp hơn trong tinh thần thể hiện chuyên biệt chiều kích đặc sủng, trong những cấu trúc đặc biệt để săn sóc những bệnh nhân hay ở bên những người đang ở trong giai đoạn cuối của căn bệnh. Dòng phải cổ võ những cấu trúc này, làm cho những cấu trúc ấy thấm nhuần tinh thần Kitô giáo vốn luôn được thể hiện khi săn sóc cho những người nghèo khổ và bị bỏ rơi nhất. Thực vậy, nhìn lại di sản lịch sử của mình, chúng ta không bao giờ được quên rằng nhiều Tu huynh của chúng ta đã chứng tỏ sự anh hùng của họ trong những thế kỷ trước qua việc họ phục vụ những người mắc các căn bệnh truyền nhiễm khác nhau.

Ngoài việc chăm sóc những bệnh nhân này, Dòng cũng phải góp phần vào việc phòng ngừa bệnh này chủ yếu bằng việc giáo dục dân chúng về những giá trị lành mạnh. Nếu những sách lược này tỏ ra kém hiệu quả hay không đủ, có thể làm giảm đi những tai hại bằng việc giúp người ta ý thức rằng, vì những biện pháp này tự nó có thể sai lầm, nên chúng sẽ không bao giờ tạo ra được bảo đảm tuyệt đối cho việc phòng ngừa lây nhiễm.

Ngoài ra, bao nhiêu có thể Dòng chúng ta phải cộng tác vào công việc nghiên cứu do các tổ chức chăm sóc sức khoẻ khác thực hiện, để tìm ra những phương thuốc mới và những cách trị liệu mới, hay những thuốc phòng ngừa để cuối cùng có thể đánh bại căn bệnh.

Sau cùng, chúng ta phải đặc biệt thận trọng để bảo đảm rằng thái độ đầy thông cảm sâu xa và chân thực của chúng ta và sự chấp nhận các bệnh nhân AIDS, việc chúng ta phản đối mọi hình thức gạt các bệnh nhân này ra ngoài lề xã hội, và bác bỏ mọi quan niệm cho rằng AIDS là một sự "trừng phạt của Thiên Chúa", không có nghĩa là chúng ta coi lối sống gây nên căn bệnh này là hợp pháp.

5.2.6.3    Người tàn tật.

Mặc dù xã hội hôm nay hình như đã tái khám phá ra được sự quan tâm đối với người tàn tật, mặc dù chung chung họ chấp nhận những người tàn tật như là "khác biệt", bằng những biện pháp đặc biệt như gỡ bỏ "những hàng rào cơ cấu", nhưng trên bình diện văn hóa và thành kiến của người ta, vẫn còn tồn tại một hình thức ruồng bỏ những người tàn tật. Thái độ ruồng bỏ này mở rộng tới việc cổ võ chủ nghĩa ưu sinh tiền sinh sản, được đẩy mạnh tới độ huỷ diệt những phôi có dị tật, đến độ đòi hỏi cái chết êm dịu để giết bỏ những trẻ sơ sinh dị dạng hay những người lớn tàn tật.

Nhưng đổ lỗi cho tất cả những thái độ này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu đồng thời chúng ta không dấn thân để bảo đảm việc đón tiếp và yêu thương mọi con người trong tình trạng thua kém trong mọi xã hội muốn tự xưng là văn minh. Một xã hội thực sự xứng với con người không thể hướng về những "người mạnh", nhưng phải hướng về những "người yếu". Ngoài việc có những biện pháp chuyên biệt để nâng đỡ người tàn tật, Dòng cũng phải mang chức năng làm chứng tá này nữa.

Vì trong thực tế, các khuyết tật thể lí và tâm thần thường đi chung với nhau, nên chúng ta cũng lại phải xét đến những vấn đề đã nói ở đoạn trước. Nếu khuyết tật chỉ là thể lí, việc cung cấp sự phục hồi cũng không kém cần thiết. Bản thân xã hội cũng cần được sự phục hồi về khía cạnh này, bởi vì nó thường không có khả năng nhìn những người tàn tật một cách đơn giản như là những con người phải đối phó với những vấn đề đặc biệt.

5.2.6.4    Những người mắc bệnh tâm thần.

Do kinh nghiệm bản thân trong cuộc đời của Đấng Sáng Lập chúng ta, Dòng đã có một truyền thống tỏ lòng trìu mến đặc biệt đối với những người mắc bệnh tâm thần. Vì vậy chúng ta đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm và khả năng trong việc chăm sóc họ, và trong thực tế chúng ta đã thường xuyên là những người đi tiên phong trong việc đề xướng những ý tưởng và giải pháp mới mà nay đang được chính các giới chức chăm sóc sức khoẻ công cộng sử dụng. Thế nhưng, ngoài một số những vấn đề chuyên biệt liên quan tới pháp luật ở những nước khác nhau, các hoạt động chăm lo cho người tâm thần cũng nêu lên một số vấn đề đạo đức chuyên biệt.

Vấn đề thứ nhất được coi như mẫu số chung cho mọi vấn đề khác, đó là khả năng của người bệnh để diễn tả sự ưng thuận của mình. Việc khắc phục thái độ cha chú trong việc chăm sóc trong quá khứ và sự đề cao tính tự trị của bệnh nhân nói chung cũng áp dụng cho những bệnh nhân tâm thần. Thực ra, nó còn phải áp dụng vào những bệnh nhân này một cách triệt để hơn vì họ là những người bị hạn chế trong việc tự mình lấy những quyết định. Vì vậy người ta dễ bị rơi trở lại vào hình thức cha chú trước kia, dù điều này có thể là vì lí do bác ái. Nhưng không thể hành động như thế, trừ những trường hợp rất giới hạn khi những bệnh nhân này ở trong tình trạng cần thiết và họ không có những thân nhân hay các uỷ ban đạo đức sinh học, v.v..., và do đó không có chọn lựa nào khác cũng như không có ai khác để chia sẻ những quyết định. Bất luận thế nào, bệnh nhân phải dự phần của mình trong mọi quyết định trong mức độ khả năng của họ cho phép, hay chúng ta phải kêu gọi sự tham dự của những người có quan hệ mật thiết với bệnh nhân hay có vai trò luôn luôn lo cho lợi ích tốt nhất của bệnh nhân.

Điều này rõ ràng là cần thiết trong những trường hợp điều trị bằng thuốc an thần, bằng sốc điện, bằng những biện pháp hạn chế thể lý và cấm đoán sự tự do. Nhưng khi làm điều này, chỉ cần có sự ưng thuận chung chung và thường là mặc nhiên của những người được ủy quyền đưa ra sự ưng thuận đó mỗi khi cần phải làm cho với bệnh nhân.

Một vấn đề đặc biệt nhậy cảm nảy sinh liên quan tới việc sinh hoạt tính dục. Một điều kiện thiết yếu cho điều này là nó phải hoàn toàn tự do. Người mắc bệnh tâm thần bị giới hạn tự do quyết định ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng đòi hỏi tính dục của họ luôn luôn tồn tại. Tuy có vẻ là một sự vi phạm nhân phẩm khi làm bất cứ điều gì gây hại cho một chức năng hoạt động nào của con người (trong trường hợp này là chức năng sinh sản), nhưng người mắc bệnh tâm thần không chỉ không có khả năng thể hiện quyền lợi này một cách tự do, mà hơn thế nửa, việc sử dụng tính dục của họ có thể dẫn tới việc mang thai, vì khả năng sinh vật nơi họ vẫn không thay đổi. Đây chính là lí do để chúng ta phải tỏ lòng kính trọng tối đa đối với con người trong bản chất thể lí toàn diện của họ, và phải có trách nhiệm ngăn ngừa những người tâm thần, do tình trạng hiện sinh của họ vào bất cứ lúc nào, không gây hại cho bản thân họ hay cho người khác.

Trong mọi trường hợp, ngoài những vấn đề chuyên biệt này, các trung tâm xã hội hay tâm thần của Dòng phải luôn luôn thấm nhuần tình nhân đạo sâu xa trong việc điều trị những người mắc bệnh tâm thần. Đây là một phần trong việc thực hành đoàn sủng trường tồn của sự nhậy cảm đặc biệt mà thánh Gioan Thiên Chúa đã tỏ ra đối với những người này, cũng là một lời tiên tri được lập lại trong một môi trường đang không ngừng cần đến những hoạt động nhân đạo. Điều này không chỉ được nhìn dưới khía cạnh của việc cung cấp cho người bệnh một chỗ ở thích hợp, một môi trường vệ sinh tốt, thực phẩm có chất lượng, tự do vận động và giữ các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, v.v..., nhưng còn phải mở rộng một cách tích cực sang lãnh vực "hoàn thành bản thân" của người bệnh. Để đạt điều này, chúng ta phải kêu gọi các tiềm năng của đương sự, mọi nguồn năng lực của họ, bao gồm các nguồn năng lực thiêng liêng. Tiến trình này phải làm chúng ta kính trọng một nhân vị, mà bất chấp những khuyết tật của họ, luôn có thể cho phép toả sáng khuôn mặt của con người.

5.2.6.5  Người già.

Thế hệ những người già đang không ngừng gia tăng dân số trong xã hội ngày nay, đồng thời không chỉ gia tăng bệnh tật mà họ mắc phải, kèm theo sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, mà còn tạo ra những vấn đề chuyên biệt về xã hội và an sinh con người. Những khó khăn có thực của một số gia dình trong việc chăm sóc những người già sống trong nhà, hay của một số gia đình ích kỉ ruồng bỏ người già, đã khiến cho những người già thường phải đến trú thân tại các viện dưỡng lão. Ngày nay Dòng chúng ta có nhiều cơ sở nuôi người già như thế trên khắp thế giới.

Đương nhiên có nhiều lí do khiến người già phải đến sống tại các viện dưỡng lão. Tuy chúng ta không có quyền xét đoán những gia đình đã đưa các người già của mình vào viện, nhưng Dòng phải cố gắng hết sức để khuyến khích tình cảm yêu thương giữa họ và gia đình họ, đồng thời giúp loại bỏ mọi cản trở cho lòng thương yêu này.

Chúng ta không được coi các Nhà của chúng ta để chăm sóc người già như chỉ để giải quyết vấn đề ăn ở cho họ, mà phải làm cho những Nhà này thấm nhuần ý nghĩa và tinh thần đoàn sủng của Dòng. Có nghĩa là chúng ta phải đánh giá cái "tuổi thứ ba" này không phải bằng ảo tưởng của sự hồi xuân vĩnh cửu, mà như là kinh nghiệm của một giai đoạn đặc biệt khác của cuộc đời, với tất cả tiềm năng và vấn đề của nó, giống như đối với mọi giai đoạn khác trong cuộc đời. Đương nhiên trong giai đoạn đặc biệt này, người già phải chịu một sự mất mát (sức khoẻ, vai trò xã hội, tình cảm, công việc, nhà cửa, v.v...) nên họ phải nội tâm hóa và bù đắp bằng những hình thức khác (kinh nghiệm, kí ức, những việc thiện họ đã làm trong quá khứ, v.v...). Sau cùng, nhìn từ quan điểm đức tin, có thể coi giai đoạn này của cuộc đời như là một đêm canh thức dài để chuẩn bị gặp gỡ vĩnh cửu.

5.2.6.6   Những vấn đề mới xuất hiện.

Chúng ta dùng thành ngữ này để chỉ những hình thức gạt ra bên lề xã hội hay những hình thức nghèo khổ mới, một số đã tồn tại, và Dòng đã đang hoạt động để cung cấp những giải pháp chuyên biệt qua sự chăm sóc và giúp đỡ nhân đạo, số khác vừa mới bắt đầu xuất hiện, nhưng là một thách đố cho sự tưởng tượng và dấn thân đạo đức của chúng ta.

Hình thức nghèo khổ mới thứ nhất là sự nghèo khổ của những người di cư và tị nạn, với con số đang tăng vọt hiện nay tại mọi nước phương Tây. Mặc dù những vấn đề do tình trạng này tạo ra chủ yếu có tính chất xã hội (việc hòa nhập văn hóa và tôn giáo, vấn đề việc làm, v.v...), nhưng cũng có một lãnh vực có ý nghĩa đặc biệt cho việc phục vụ đặc sủng trợ thế của chúng ta. Những giải đáp cho vấn đề này thì rất đa dạng, tùy theo óc sáng tạo của những con người biết lắng nghe hướng dẫn của Thánh Thần, và họ cũng có thể được kích thích bởi những nhu cầu chuyên biệt tại mỗi quốc gia hay hoàn cảnh xã hội khác nhau. Đương nhiên, ngoài việc làm cho người di cư được tiếp nhận, còn có những vấn đề về chăm sóc sức khoẻ cho những người mà thường là không có khả năng nhận được những sự chăm sóc hay trợ giúp công cộng nào khác. Dòng cũng phải hoạt động để giải quyết những nhu cầu này bằng cách thiết lập những cơ sở đặc biệt để lo việc này khi có thể, cũng như tìm ra những giải pháp thích hợp cho các vấn đề này trong các Trung tâm hiện có của mình.

Một hoàn cảnh tương tự cũng xảy ra đối với một nhóm người khác được xếp loại một cách đa dạng như những người vô gia cư, những người lang thang, những người chiếm dụng đất, những hạng người này có cùng một đặc tính chung của sự nghèo khổ triệt để, đó là họ không có một chỗ ở ổn định nào vì họ bị buộc phải sống trên đường phố, ngoài thềm cửa, và ở những phòng đợi của các nhà ga xe lửa. Có lẽ bức tranh của nhân loại đau khổ này, mặc dù sau bao nhiêu thế kỉ, rất giống bức tranh của nhân loại mà thánh Gioan Thiên Chúa hay thánh Gioan Grande đã từng đối diện. Chính vì lí do này, mọi loại biện pháp nhằm chăm sóc những con người này (vật chất, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, v.v...) đều nằm trong đường lối tiếp tục đặc sủng của Dòng một cách tuyệt đối.

Ngoài những hoàn cảnh này, rất có thể trong tương lai Dòng sẽ được yêu cầu có một đáp ứng mau chóng cho những tình huống khác mà hiện nay còn hiếm hay ít nhận ra hơn. Ví dụ những phụ nữ nạn nhân của bạo lực, những trẻ em bị lạm dụng, những người đã tìm cách tự tử, những người góa bụa cô đơn, những vấn đề tâm lí về chế độ ăn uống của họ (chứng biếng ăn và cuồng ăn), v.v... Sự quan tâm đúng mức cho nhu cầu của con người đau khổ tất nhiên cũng phải lưu ý tới những "đau khổ mới" này mà chắc sẽ xảy ra theo thời gian, và Dòng phải luôn sẵn sàng để chăm lo với óc sáng tạo và tình yêu.

Trích đăng từ tài liệu "HIẾN CHƯƠNG TRỢ THẾ" của Dòng. OH (còn tiếp)