Cầu cho ông bà cha mẹ

Mồng hai Tết

Cầu cho ông bà cha mẹ

Quý vị và các bạn thân mến,

Dân tộc nào cũng có truyền thống thảo kính cha mẹ. Riêng với dân tộc Việt Nam chúng ta thì việc thảo kính ông bà cha mẹ còn được xem như một tôn giáo khi nói: “Đạo thờ kính ông bà tổ tiên”; hay với câu nói như: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu.” Truyền thống thờ cha kính mẹ của người Việt Nam đã có từ thời xa xưa qua các câu chuyện cổ, nó còn tái hiện trong cuộc sống hôm nay. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những tấm gương sáng ngời về lòng hiếu thảo ngay trên công trường nắng gắt, hay trong nhà máy xí nghiệp, nơi mà các bạn trẻ đang đổ mồ hôi sôi nước mắt lao động hằng ngày để kiếm tiền gởi về quê nuôi sống cha mẹ già.

Hoặc trên những giảng đường đại học, nơi các sinh viên nghèo đang miệt mài học tập để mong ngày mai công thành danh toại, hầu đáp lại công ơn nuôi dưỡng của mẹ thầy. Nhưng tồn tại xung quanh cuộc sống của chúng ta cũng không thiếu những con người nhẫn tâm từ chối cha mẹ mình vì gánh nặng, vì sự nghiệp, vì địa vị xã hội hoặc vì một chút lợi lộc nào đó.

Hôm nay ngày mùng hai Tết, Giáo Hội Việt Nam dành ngày này để nhắc nhở mọi thành phần dân Chúa về lòng hiếu thảo, biết ơn tổ tiên - ông bà - cha mẹ. Trong 10 điều răn Chúa truyền dạy, sau ba điều dành cho Thiên Chúa thì đến điều thứ tư dành cho ông bà, cha mẹ. Thánh Phaolô tông đồ đã làm cho điều răn thứ tư này mạnh mẽ hơn khi nói: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này (Ephêsô 6,1-3).”

Vâng, thảo kính cha mẹ không phải là chuyện gởi những món quà to, nhưng lỡi tết nặng, nhưng thảo kính cha mẹ là về bên các ngài trong những ngày nghỉ, thăm hỏi, chăm sóc, hiện diện, an ủi, đỡ đần và yêu thương.

Xin được kể lại câu chuyện “Hoa hồng tặng mẹ” đã khá quen với chúng ta để nói lên lòng hiếu thảo của những người con.

Có một người đàn ông đến tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang đứng khóc bên vỉa hè. Anh đến và hỏi nó sao lại khóc.

Cháu muốn mua một hoa hồng để tặng mẹ cháu - nó nức nở - nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi giá một hoa hồng đến 2 đôla.

Anh mỉm cười và nói với nó: - Đến đây, chú sẽ mua cho cháu.

Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh và trả lời: - Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.

Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có một phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói: - Đây là nhà của mẹ cháu.

Nói xong, nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.

Tức thì, anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa.

Thảo kính cha mẹ cũng không phải là chuyện khoe thành tích, cũng chẳng là chuyện dâng cúng ít nhiều, nhưng là biết vâng nghe nhưng lời dạy dỗ bảo ban; biết kính trên nhường dưới; biết ghi lòng tạc dạ đền đáp công ơn:

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Thảo kính cha mẹ là điều Thiên Chúa muốn, Giáo hội nhắc nhở, đạo làm người mong khắc ghi:

Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy từng trời cao,
Đố ai đếm những vì sao,
Đố ai đếm được, công lao 
mẹ thầy.

Lạy Chúa,

Xin chúc lành cho cha mẹ của chúng con.

Xin ban muôn ơn lành hồn xác cho các ngài.

Xin chúc phúc cho những người con thảo hiếu như Chúa đã hứa. Amen.

Minh Thanh