Cần một cách nhìn nhận đúng về người nghiện để giải quyết tệ nạn ma túy

 

CẦN MỘT CÁCH NHÌN NHẬN ĐÚNG 

VỀ NGƯỜI NGHIỆN ĐỂ GIẢI QUYẾT TỆ NẠN MA TÚY

Tôma Hoàng Kim Khánh

Thực trạng và hy vọng

Những con số thống kế sau đây do Hùng Anh, tác giả bài báo Nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được”[1] cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quan về tệ nạn nghiện ma túy hiện nay ở nước ta, và khơi dậy niềm hy vọng nơi cộng đồng về việc giải quyết tệ nạn này.

- Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố với gần 90% quận, huyện và khoảng 70% xã, phường, thị trấn.

- Người nghiện thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội như học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động,...

- Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp với khoảng 10% không biết chữ và 59% có trình độ văn hóa từ tiểu học tới trung học cơ sở.

- Hầu hết người nghiện ma túy không có nghề nghiệp ổn định, chi tiêu chủ yếu từ nguồn hỗ trợ của gia đình, thu nhập hợp pháp chỉ bằng 1/3 số tiền chi cho sử dụng ma túy.

- Khoảng 50% người nghiện đã gặp những vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe thể chất.

- Tính đến tháng 5/2017, cả nước đã tổ chức điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho hơn 100.000 người nghiện, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Đành rằng, người nghiện ma túy đã gây ra nhiều hệ lụy cho chính bản thân, gia đình, và xã hội; nhưng như ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội nói, Nghiện ma túy hoàn toàn có thể cai được. Từ bỏ ma túy, người nghiện hoàn toàn có thể trở thành người có ích cho xã hội”.

Thực tế, đã có nhiều người từng nghiện nặng, nhiều năm nhưng quyết tâm cai nghiện, trở thành những người bình thường, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được cộng đồng ghi nhận. Một số người hiện đang là chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, chủ nhiệm câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ người cùng cảnh ngộ.

Bên cạnh những cố gắng của các cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ Việt Nam, các tổ chức từ thiện - xã hội trong cộng đồng, các tổ chức Phi chính phủ... Giáo Hội Công giáo Việt Nam, thông qua Ủy Ban Bác Ái Xã Hội - Caritas Việt Nam và các Caritas Giáo phận đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền phòng - chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt tệ nạn ma túy.

Câu chuyện của những người “trong cuộc”

VVT, sinh năm 1981 tại Hải Phòng, trong một gia đình nghèo khó có đủ bố mẹ và bốn anh chị em.

Năm 16 tuổi, nghe bạn bè rủ rê, T bỏ bê việc học hành, theo các anh chị trong làng đi làm than Thổ Phỉ. Công việc nặng nhọc, T phát bệnh, nghe các anh chị nói tiêm ma túy vào sẽ khỏi bệnh. T làm theo và từ đó sa vào con đường nghiện ngập ma túy.

Sau một thời gian, T vào Nam cai nghiện. Với quyết tâm “làm lại cuộc đời”, nhờ sự động viên, giúp đỡ của người thân, T trở nên người bình thường, làm ăn sinh sống như mọi người khác.

Bảy năm sau, lập gia đình, cuộc sống gia đình T ấm êm, hạnh phúc. Nhưng thật bất hạnh, một hôm bị sốt phải nhập viện, qua xét nghiệm T được thông báo bị nhiễm HIV giai đoạn cuối.

T tâm sự, “Mọi thứ như sụp đổ, bao nhiêu nỗ lực, cố gắng đã trở nên vô nghĩa. Điều tôi lo sợ nhất lúc bấy giờ là vợ và con tôi có bị lây nhiễm HIV không? Rất may, vợ và con tôi không bị lây nhiễm.”

T chia tay vợ con, trở về quê nhà chờ chết. Lúc ấy, T đã bị bệnh lao hạch, nấm lưỡi và nhiều bệnh nhiễm trùng khác.

Trở về nhà, bị mọi người kỳ thị nhưng ý nghĩ “tôi phải sống” đã giúp T vượt qua mọi khó khăn, thử thách sống có ích trong những ngày còn lại của đời mình - tham gia câu lạc bộ những người có H, do Caritas Giáo phận Hải Phòng tổ chức và điều hành.

T cho biết, “Ban đầu tôi chỉ đăng ký tham gia cho vui, nhưng sau thấy hữu ích, tôi trở thành thành viên chính thức. Dù rằng không cùng tôn giáo nhưng tôi cảm nhận được sự cảm thông, giúp đỡ tận tình của quý cha và của các cộng đoàn.”

HDC, 37 tuổi. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê biển Đồ Sơn. Gia đình tuy sống ở vùng ven biển nhưng bố là bộ đội, còn mẹ là công nhân.

C kể với chúng tôi: C từng là một học sinh giỏi, ước mơ sau này trở thành một phi công. Nhưng khi đang học trung học, do được bố mẹ nuông chiều, và giao lưu với các bạn xấu cùng trang lứa, C đã trở nên con nghiện ma túy. Cố học cho xong trung học phổ thông để đi cai nghiện.

Trong những ngày ở trung tâm cai nghiện C được thông báo đã bị nhiễm HIV. Sau mấy tháng cai nghiện, trung tâm cho trở về với gia đình và cộng đồng. Rất may, vào thời điểm đó, tại Đồ Sơn có nhiều dự án hỗ trợ và điều trị cho những người nhiễm HIV. C được điều trị thuốc kháng vi rút ARV, được Caritas Giáo phận Hải Phòng hướng dẫn về phòng chống lây nhiễm HIV trong cộng đồng, và trở thành tình nguyện viên tích cực của các chương trình phòng chống ma túy và HIV/AIDS tại địa phương.

NVH, sinh ra trong một gia đình có năm anh chị em, tại Thái Nguyên. H là con trai cả, trên H là hai chị gái và dưới là một em trai, một em gái. Bố mẹ H là nông dân chất phác, thật thà, cố gắng làm lụng vất vả để nuôi năm người con ăn học.

H chia sẻ, khi là học sinh, H được đánh giá là một học sinh khá giỏi, nhanh nhẹn, và tháo vát; đã từng được chọn dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Học hết Trung học cơ sở (cấp II), H học trung cấp ở Thái Nguyên. Tại đây H học được nhiều thứ, kể cả những thứ xấu, và lần đầu tiên biết đến ma túy.

Bỏ học trung cấp, H về quê, học tiếp Trung học phổ thông. Tốt nghiệp Trung học phổ thông, do không trúng tuyển vào một trường nào, H ở nhà giúp bố mẹ. Buôn bán, có tiền, giao lưu với bạn xấu, dùng ma túy, sau 5 năm H nghiện nặng.

Năm 2004, H lập gia đình, sinh con đầu lòng vào năm 2006, đến năm 2007 thì bố H qua đời vì căn bệnh ung thư. Đầu năm 2008, H đi cai nghiện ở một trung tâm tư nhân, về lại tái nghiện; và cũng năm này, sau khi xét nghiệm H được thông báo dương tính với HIV.

H tâm sự, “Quá chán nản, tôi lún sâu vào con đường nghiện ngập, cứ mỗi lần hết tiền, tôi lại tự nguyện đi cai nghiện, cai đi cai lại nhiều lần, tiêu tốn một khoản tiền lớn nên phải bán đất, bán nhà để trả.”

H tiếp tục kể cho chúng tôi, “Đầu năm 2009, sau khi đưa tôi ra bến xe đi cai nghiện, khi quay về, em trai tôi bị tai nạn giao thông và đã ra đi mãi mãi. Dằn vặt vì sự mất mát này, thương vợ và mẹ đã chịu quá nhiều đau khổ; tôi quyết tâm từ bỏ ma túy mà không cần hỗ trợ thuốc. Điều đó, thật sự khó khăn, nhưng tôi đã thành công, cho tới nay gần 10 năm không tái nghiện. Tôi tiếp tục điều trị HIV.”

Năm 2012, vợ H sinh thêm một bé gái. Hiện tại vợ chồng H có việc làm ổn định, có nhà, có xe máy, chăm lo nuôi dạy con cái, các cháu chăm ngoan, học giỏi và rất may không bị nhiễm HIV.

NVB, một thành viên của Nhóm Chung Một Mái Nhà Hải Hậu, Nam Định.

B cho chúng tôi biết: “Những ngày trong trại giam, B đã hối hận vì những sai lầm mình đã phạm, và tự hứa, khi ra tù, sẽ lo cho cha mẹ, sẽ kiếm việc làm và cố gắng trở thành chỗ dựa cho gia đình, một công dân có ích cho xã hội, chu toàn bổn phận là chồng, là cha trong gia đình, và có trách nhiệm với những người thân đã yêu thương, nâng đỡ B trong suốt thời gian qua.

Nhưng khi về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng, B phải đối diện với thực tại xã hội và mọi người xem tôi là một thằng nghiện; B đi xin việc người ta không nhận vì có tiền án. Tôi không thể kiếm được việc làm như người bình thường. Và tồi tệ hơn khi tôi bị giãn động mạch toàn thân, thoái hóa sáu đốt sống, và kinh khủng hơn là dương tính với HIV.”

B tâm sự, “Sau bao đêm thức trắng với nỗi buồn đau, tôi quyết tâm đứng dậy. Tôi không thể phụ lòng những người thân đang hy vọng và trông đợi những cố gắng của tôi”

Các công ty không nhận người làm việc như B, B tìm đến những cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân, trước yêu cầu chân thành của B, chủ một xưởng may gia công nhận B làm việc với mức lương 500 ngàn đồng một tháng. Đó là khởi đầu cho những thành công trong quá trình hòa nhập cộng đồng, từ bỏ ma túy, và điều trị HIV của B.

Qua các nhân viên Caritas, B muốn nhắn gởi các bạn trẻ: Với ma túy đừng bao giờ thử, dù chỉ một lần. Bạn có thể chỉ có không tới một phút để được thăng hoa với ma túy nhưng sẽ mất cả cuộc đời để trả giá cho nó trong tối tăm”.

Nghe vợ của B nói chuyện, chúng tôi thấu hiểu được sự đau khổ, hy sinh của chị khi chồng bị tù tội, nghiện ngập ma túy, nhiễm HIV; và thán phục lòng thủy chung, son sắt của chị với chồng, con. Trong những ngày tháng đau khổ, chị tín thác mọi sự nơi Chúa; gia tăng việc cầu nguyện, tham dự thánh lễ hằng ngày, liên lỉ cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh cho chị, cho chồng con vượt qua mọi khó khăn.

LT kể cho chúng tôi: T có hai anh em, T sinh năm 1979, người em sinh năm 1982. Năm 2002, có một anh ở Sài Gòn xuống chơi, rồi làm quen với những thanh niên trong xóm. Những buổi đi uống cà phê làm chúng tôi thân nhau. Rồi một ngày anh ta rủ rê hai anh em T thử ma túy. Đang tuổi thanh niên “hăng tiết vịt”, lại mang yếu tố “bầy đàn”, hai anh em lao vào “cô ba” như một con thiêu thân.

Khi gia đình phát hiện, mọi người lo lắng buồn phiền. Hai anh em được đưa về nhà bà con ở miệt vườn để tự cai nghiện. Nhưng “cô ba” như một con bạch tuộc quấn chặt họ, khiến họ không thể thoát ra được.

Sau đó T bị đưa đi cai bắt buộc ở trung tâm cai nghiện của nhà nước. Tại đây, T được xét nghiệm HIV và kết quả dương tính. Biết mình bị nhiễm HIV, T run sợ, mất ngủ hơn 2 tuần lễ. Lúc bấy giờ, tóc T bắt đầu rụng, hạch bắt đầu nổi.

T được trả về nhà. Để có tiền chữa bịnh cho mình, bố mẹ T phải cầm nhà, rồi sau đó bán luôn vì không có tiền chuộc. Điều trị ARV được một thời gian thì T bỏ cuộc vì sức khỏe suy yếu, cơn nghiện hành hạ. Được nhân viên Caritas tìm đến nhà thăm hỏi, giải thích, động viên T tiếp tục điều trị ARV, và nếu không chia tay với ‘cô ba' được thì nên thay thế bằng Methadone để tránh những tác hại phụ.

Năm 2015, bố T qua đời, mẹ vất vả lo cho hai anh em và bà nội. T tâm sự: “Bây giờ, hối hận thì đã quá muộn. Dù có ân hận đến mức nào, anh em tôi cũng không bù đắp được những đau khổ của gia đình. Càng bị giày vò hơn khi thấy mẹ ngày càng già yếu mà phải vất vả lo cho hai anh em tôi, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng”.

III. Đôi điều rút ra từ những câu chuyện của những người “trong cuộc”

Rõ ràng, mỗi người “trong cuộc” một hoàn cảnh, nhưng xem ra bên cạnh những khác biệt giữa những hoàn cảnh, vẫn có những điểm chung, như nguyên nhân và con đường dẫn đến nghiện; những thay đổi về sức khỏe, tâm lý; sự tỉnh thức - hối hận - mong muốn hoàn lương,... của những người nghiện. Điều này hẳn sẽ gợi mở cho tất cả chúng ta, về một kế hoạch với niềm hy vọng giải quyết được tệ nạn ma túy?

Nguyên nhân và con đường dẫn đến nghiện

Ham chơi, bỏ học, sinh hoạt kiểu “băng nhóm”, bị rủ rê dùng thử ma túy, nghiện là con đường biến một trẻ vị thành niên thành con nghiện và có thể còn bị nhiễm HIV. Vì thế, sự thiếu quan tâm của gia đình, đặc biệt của cha mẹ đến những sinh hoạt thường ngày của con cái, trong đa số trường hợp là nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy ở trẻ vị thành niên.

Với những người trưởng thành, không có việc làm, thất nghiệp, cuộc sống khó khăn, đời sống vợ chồng bất thuận, không hạnh phúc,. làm nảy sinh tâm lý chán nản cuộc sống, gia đình,. là nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy. Một số ít, gia đình khá giả, tìm đến với ma túy như một cách hưởng thụ.

Tỉnh thức - Hối hận - Mong muốn hoàn lương

Dẫu sai phạm, nhưng vì là con người nên trong đớn đau về thể xác, dằn vặt về tinh thần, người nghiện nào cũng có những lúc tỉnh thức để nhận ra lầm lỗi của mình, hối hận, ăn năn muốn hoàn lương, muốn quay về với gia đình, quê hương và sống cuộc sống bình thường như những người khác.

Ở một góc nhìn tích cực, cai nghiện là biểu hiện bên ngoài của trạng thái tâm lý nói trên của người nghiện. Có nhiều trường hợp với quyết tâm cao, họ đã từ bỏ hẳn ma túy, sống có ích cho gia đình và cộng đồng.

Vai trò của gia đình và cộng đồng

Dĩ nhiên, vẫn có trường hợp sau cai nghiện lại tái nghiện, không chỉ một lần mà đến nhiều lần, vì thực tế điều này không phải dễ dàng. Do đó, họ cần đến sự khuyến khích, giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất từ người thân trong gia đình và mọi người trong cộng đồng khi họ cai nghiện và sau cai nghiện.

Thái độ tôn trọng, yêu thương, không phân biệt đối xử, chăm sóc, hỗ trợ đời sống từ gia đình và cộng đồng bằng cách tạo việc làm cho người sau cai nghiện là những giúp đỡ thiết thực để họ hòa nhập cộng đồng.

Một cách nhìn nhận mới

Hơn 10 năm qua kể từ ngày tái lập, 19/9/2008, Caritas Việt Nam - Ủy Ban Bác ái Xã hội trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, và Caritas các Giáo phận trên cả nước đã có những hoạt động như cứu trợ nạn nhân thiên tai, dịch họa, giúp đỡ người nghèo khổ, bệnh tật, phát triển cộng đồng - Môi trường, Dân sinh, và Khuyến học, giúp đỡ và hỗ trợ người nghiện, người nhiễm HIV;... Những hoạt động nói trên đã góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam tốt đẹp hơn.

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, tính bền vững, hiệu quả các hoạt động còn ít nhiều hạn chế; chẳng hạn, kinh phí hoạt động của Caritas Việt Nam cũng như các Caritas Giáo phận phụ thuộc nhiều vào các dự án được tài trợ từ các tổ chức khác, nguồn tài chính từ cộng đồng quá ít ỏi; những hoạt động nói trên, nhất là ở giáo xứ còn mang tính từ thiện, ban cho hơn là phát triển;.

Người Công Giáo chúng ta tin rằng, con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài, vốn lành thánh, và cao trọng. Sau này, Khổng Tử (sinh 28/9/551 Trước Công nguyên), người được xem là một trong những người khai sáng Nho Giáo, là giảng sư, là triết gia lỗi lạc bậc nhất ở Á Đông đã nói, “Nhân chi sơ tính bản thiện” hay “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, có nghĩa là con người sinh ra, bản tính ban đầu vốn là thiện và tốt lành.

Như vậy, con người vốn thiện, lành, cao trọng nhưng nếu không được giáo dục cách đầy đủ, toàn diện; và với ảnh hưởng của những tiêu cực trong xã hội có thể trở nên người ác, người xấu.

Với truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, lòng bác ái Kitô giáo, kết hợp với những giá trị của xã hội mới, nhất là về quyền con người, dẫn chúng ta đến một nhìn nhận:“người nghiện là nạn nhân của tệ nạn ma túy; là con người, không phải là phạm nhân, do đó được tôn trọng như một nhân vị, bình đẳng với mọi người.”

Phải như thế, thì những vấn đề liên quan đến người nghiện mới được giải quyết tận gốc rễ của nó.

WHĐ (29.7.2020)
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 109 (tháng 11 & 12 năm 2018)