Cách “sống chung” với thoái hóa khớp

Suckhoedoisong.vn - Thoái hóa khớp (THK) là một bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa và xuất hiện ngày càng nhiều ở người trẻ tuổi. Tình trạng THK nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể gây tàn phế suốt đời.
 

Nguyên nhân do đâu?

THK xảy ra khi sụn khớp - là cấu trúc bao bọc đầu các xương cấu tạo nên khớp bị tổn thương. Sụn khớp là một cấu trúc cứng có bề mặt trơn nhẵn cho phép khớp chuyển động mà không bị ma sát giữa các đầu xương. Trong THK, bề mặt trơn nhẵn của sụn khớp trở nên thô nhám. Trong trường hợp sụn khớp bị tổn thương hoàn toàn sẽ trơ đầu xương và khi khớp chuyển động đầu xương sẽ trượt lên đầu xương.

Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới THK gồm: tuổi cao, nữ giới, béo phì, có tiền sử chấn thương khớp như trật khớp, bán trật khớp, gãy xương phạm khớp, mổ vào khớp... Một số nghề nghiệp đặc trưng có thể dẫn đến tình trạng quá tải lặp đi lặp lại của một khớp nào đó khiến THK dễ xảy ra hơn. Gene di truyền cũng có vai trò yếu tố nguy cơ với THK...

Dấu hiệu thoái hóa khớp

Bệnh xảy ra khi sụn khớp bị hao mòn theo thời gian. THK có thể xảy ra ở mọi khớp nhưng bệnh thường gặp nhất ở khớp bàn ngón tay, khớp gối, khớp háng và khớp đốt sống. Triệu chứng của THK thường xuất hiện một cách từ từ và tăng dần theo thời gian, bao gồm: đau khớp; cứng khớp buổi sáng; hạn chế biên độ vận động khớp; tiếng lạo xạo xương/lục cục khớp khi cử động; tràn dịch khớp; biến dạng khớp; thay đổi chiều dài chi thể và dáng đi; xuất hiện các gai xương.

 

Hình ảnh khớp bị thoái hóa.

Hình ảnh khớp bị thoái hóa.

Biến chứng của thoái hóa khớp

THK là bệnh lý không thể đảo ngược, tiến triển nặng dần theo thời gian, đến một lúc nào đó đau và cứng khớp sẽ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi THK nặng, người bệnh sẽ không còn khả năng lao động, sinh hoạt, thậm chí chăm sóc được bản thân. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ như: đau và cứng khớp buổi sáng kéo dài hoặc tái đi tái lại thì nên gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể. Các triệu chứng khác nếu có là biểu hiện nặng hơn của tình trạng THK.

Để chẩn đoán THK, thầy thuốc sẽ thăm khám để đánh giá các dấu hiệu THK. Chụp Xquang và/ hoặc chụp cộng hưởng từ khớp để đánh giá mức độ nặng của thoái hóa khớp. Xét nghiệm máu và xét nghiệm dịch khớp cũng được các bác sĩ thực hiện để xác định chẩn đoán.

Phòng ngừa và điều trị THK thế nào?

THK có thể kiểm soát triệu chứng của THK bằng cách thay đổi lối sống, tập thể lực và phục hồi chức năng, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.

Các biện pháp tập luyện thể lực sau có thể giúp kiểm soát THK: Tập thể dục để tăng cường sức mạnh gân cơ. Tập thái cực quyền và yoga. Tập phục hồi chức năng. Bên cạnh đó cần giáo dục nghề nghiệp để phòng tránh THK.

Bên cạnh đó, việc dùng thuốc điều trị THK đều cần chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và nên dùng đúng theo hướng dẫn, tránh tự mua thuốc và lạm dụng thuốc gây biến chứng không mong muốn.

Ngoài ra, thay đổi lối sống: Tập thể dục đều đặn; giảm cân; chườm lạnh hoặc chườm ấm để giảm đau; sử dụng những kem bôi giảm đau chống viêm không cần kê đơn; dùng nẹp trợ đỡ khớp hoặc lót đế giày để chỉnh trục chi; dùng băng chun gối; dùng các phương tiện trợ đỡ đi lại: gậy, nạng, khung hỗ trợ đi... có lợi cho người bệnh THK.

Phẫu thuật: Tùy vào mức độ của THK, triệu chứng của người bệnh, ảnh hưởng của triệu chứng THK đến hoạt động thể lực và chất lượng cuộc sống người bệnh mà bác sĩ cân nhắc đến điều trị phẫu thuật bao gồm: Phẫu thuật nội soi làm sạch ổ khớp. Phẫu thuật đục xương sửa trục. Phẫu thuật thay khớp nhân tạo.

BS. Văn Minh