Phụ gia thực phẩm là một chất được thêm vào trong quá trình chế biến. Các chất phụ gia được sử dụng vì một số lý do như bảo quản, làm cho sản phẩm trông hấp dẫn hơn, tăng hương vị.
Các chất phụ gia thực phẩm có thể có nguồn gốc tổng hợp hoặc tự nhiên, và một số phụ gia hoàn toàn vô hại. Nhưng một số chất phụ gia, đặc biệt là những chất phụ gia phổ biến trong thực phẩm chế biến sẵn, có liên quan đến các vấn đề sức khỏe.
Angela Lemond, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ/người phát ngôn quốc gia của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn, nói với Insider: "Không có phụ gia thực phẩm nào trong nguồn cung cấp thực phẩm của Hoa Kỳ có thể gây hại cho sức khỏe của bạn khi ăn chúng không thường xuyên. Tuy nhiên, có một số phụ gia thực phẩm có thể gây rủi ro nếu ăn thường xuyên."
Dưới đây là bốn phụ gia thực phẩm bạn nên cân nhắc trước khi ăn.
1. Chất tạo màu thực phẩm nhân tạo
Chất tạo màu thực phẩm nhân tạo được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm. Chúng được thêm vào để tăng cường hoặc thay đổi màu sắc.
Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ, các nghiên cứu trong vài thập kỷ qua đã làm dấy lên lo ngại rằng chất tạo màu thực phẩm nhân tạo ảnh hưởng đến hành vi của trẻ em và làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Tuy nhiên, cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để xác định chính xác chất tạo màu thực phẩm nào có tác động tiêu cực và chúng ảnh hưởng ở mức độ nào.
Bác sĩ Sheela Sathyanarayana, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Washington (Mỹ), nói rằng trẻ em mắc ADHD nên tránh ăn chất tạo màu thực phẩm nhân tạo.
Sathyanarayana cho biết trẻ em dễ bị tổn thương hơn trước tác động của màu nhân tạo vì cơ thể chúng vẫn đang phát triển.
Các chất phụ gia thực phẩm có thể có nguồn gốc tổng hợp hoặc tự nhiên, và một số phụ gia hoàn toàn vô hại. Nhưng một số chất phụ gia, đặc biệt là những chất phụ gia phổ biến trong thực phẩm chế biến sẵn, có liên quan đến các vấn đề sức khỏe.
2. Nitrat và nitrit
Nitrat và nitrit thường được tìm thấy trong thịt, cá và pho mai đã qua xử lý và chế biến, và chúng có liên quan đến ung thư ở hệ tiêu hóa và thần kinh.
Tổ chức Y tế Thế giới phân loại thịt đã qua chế biến là chất gây ung thư, một phần do lượng nitrat hoặc nitrit được thêm vào trong quá trình xử lý. Sự phân loại này được đưa ra sau khi xem xét hơn 800 nghiên cứu khoa học. Các nghiên cứu chỉ ra thịt chế biến có nitrat làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Một đánh giá rất lớn năm 2017 phân tích 99 nghiên cứu cho thấy cứ bổ sung thêm 50 gram thịt đã qua chế biến được tiêu thụ hàng ngày - khoảng một cái xúc xích - thì nguy cơ ung thư tăng 16%.
Nitrat và nitrit thường được tìm thấy trong thịt, cá và pho mai đã qua xử lý và chế biến.
3. Sulfite
Sulfite tự nhiên xuất hiện trong một số thực phẩm, nhưng chúng cũng được thêm vào như một chất bảo quản để làm chậm sự đổi màu. Thực phẩm có phụ gia sulfit bao gồm nước thịt đóng gói, bánh quy, bột bánh pizza và thậm chí cả trái cây sấy khô, chuyên gia dinh dưỡng Lemond nói.
Một số người nhạy cảm với sulfit, điều này có thể khiến họ gặp vấn đề về hô hấp nếu họ bị hen suyễn, nhạy cảm với sulfit. Tuy nhiên, nếu bạn không nhạy cảm với sulfite, chúng không gây ra hậu quả gì cho sức khỏe.
4. Chất tạo ngọt nhân tạo
Chất tạo ngọt nhân tạo là chất thay thế đường tổng hợp được thêm vào để làm ngọt thực phẩm và đồ uống, phổ biến nhất là nước ngọt, các sản phẩm từ sữa, mứt và thạch. Chúng đặc biệt được tìm thấy trong các sản phẩm có nhãn "ăn kiêng" hoặc "không đường", vì chúng hầu như không bổ sung calo.
Mặc dù chất tạo ngọt nhân tạo được phát triển để giảm béo phì và kháng insulin, nhưng một đánh giá năm 2017 cho thấy chúng thực sự có thể góp phần vào đại dịch béo phì. Nguyên nhân là vì chúng làm giảm cảm giác no, dẫn đến tăng lượng calo tiêu thụ và do đó, tăng cân.
Một nghiên cứu lớn năm 2019 ở phụ nữ sau mãn kinh cho thấy càng hấp thụ chất tạo ngọt nhân tạo nhiều thì nguy cơ đột quỵ và mắc bệnh động mạch vành càng tăng.
Bạn có thể muốn tránh tiêu thụ một lượng lớn chất tạo ngọt nhân tạo, nhưng điều này không có nghĩa là bạn phải loại bỏ chúng ra khỏi chế độ ăn hoàn toàn. Hỏi ý kiến một chuyên gia dinh dưỡng để xác định điều gì là tốt nhất cho bạn và mục tiêu sức khỏe của bạn.
Để hạn chế tiêu thụ các chất phụ gia thực phẩm, hãy đọc thành phần trên bao bì thực phẩm và đồ uống của bạn.
Cách tránh ăn phụ gia thực phẩm
Để hạn chế tiêu thụ các chất phụ gia thực phẩm, hãy đọc thành phần trên bao bì thực phẩm và đồ uống của bạn. Bạn cũng có thể giảm lượng phụ gia thực phẩm bằng cách:
- Hạn chế ăn thực phẩm đã qua chế biến nhiều như xúc xích, kẹo và khoai tây chiên.
- Ăn một chế độ ăn lành mạnh: Ăn nhiều rau củ quả cũng như các loại thực phẩm thực vật khác như ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và các loại đậu.
- Tự nấu thức ăn: Các thành phần trong thực phẩm bạn làm thường chứa ít chất phụ gia hơn so với thực phẩm làm sẵn. Chuyên gia Lemond gợi ý: "Hãy học cách làm nước thịt, nước sốt mà không cần dựa vào các loại đóng gói sẵn".
(Nguồn: Insider)
Trích đăng từ nguồn: https://soha.vn