Vì sao muốn ít bệnh thì phải bảo vệ 3 bộ phận trọng yếu nhất sau đây?
Cơ thể con người là một cỗ máy mà ở nơi đó, bộ phận nào cũng vô cùng cần thiết, quan trọng, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Tuy nhiên, có 3 bộ phận sau đây, nếu không bảo vệ tốt thì sẽ ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận khác, đến sức khỏe tổng thể, thẩm chí là tính mạng.
Lứa tuổi nào cũng cần chăm sóc sức khỏe, nhưng lứa tuổi sau 40, khi đã bước vào ngưỡng cửa trung niên, thì bạn cần phải chăm sóc sức khỏe cẩn thận hơn.
Sau đây là lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe Trung Quốc về cách bảo vệ các cơ quan nội tạng trọng yếu.
1. Bảo vệ trái tim
Trái tim là trung tâm của cơ thể con người, vì vậy sức khỏe của trái tim cũng là chìa khóa của sức khỏe con người.
Sau 40 tuổi là độ tuổi các bệnh tim mạch phổ biến hơn, tình trạng mệt mỏi, căng thẳng kéo dài và tâm trạng không tốt có thể gây ra những tổn thương nhất định cho tim, lúc này chúng ta nên bảo vệ tim khỏi những tác hại.
Tim có 4 nỗi sợ mà bạn nên tránh kịp thời
1. Sợ sự mệt mỏi: Mệt mỏi có thể gây nhồi máu cơ tim, thậm chí suy tim. Do vậy, bạn nên nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc quá sức, không để cho cơ thể rơi vào trạng thái quá mệt mỏi.
2. Sợ huyết áp tăng cao: Điều này sẽ làm tăng khả năng tử vong ở bệnh nhân tim mạch vành. Giữ sự ổn định huyết áp là điều quan trọng.
3. Sợ buồn, bi quan lâu ngày: Đây là yếu tố dễ khiến cho bạn bị bệnh tim, tỷ lệ tử vong cao gấp đôi so với những người có thái độ sống lạc quan.
4. Sợ đổ mồ hôi: Mồ hôi là chất lỏng của tim, đổ mồ hôi nhiều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch. Do vậy, khi có các vấn đề về mồ hôi ra nhiều, bạn nên tìm cách kiểm soát.
2. Bảo vệ phổi
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ngày càng tăng cao. Trong đó, hút thuốc lá, ô nhiễm không khí, khói bụi đều là những nguyên nhân liên quan có thể gây bệnh.
Đặc biệt những người trung niên hút thuốc càng phải chú ý bảo vệ phổi, vì thuốc lá đã đầu độc phổi từ nhiều năm trước đó. Hãy dừng ngay việc hút thuốc lá nếu bạn muốn bảo vệ sức khỏe.
Phổi có 5 nỗi sợ mà bạn cần tránh xa
1. Sợ bị "khô". Cơ thể của bạn khi bị khô, phổi cũng khô, làm tiêu hao dịch cơ thể, gây khô miệng, khô mũi, khô da. Do đó, bổ sung nước, độ ẩm cho cơ thể là việc nên chú ý làm thường xuyên.
2. Sợ "lạnh": Thời tiết lạnh hay cơ thể bị nhiễm lạnh thì chất dịch trong cơ thể có thể bị cô đặc lại, từ đó dễ sinh các bệnh liên quan đến hệ hô hấp. Bạn nên chú ý giữ ấm cơ thể trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt là vào mùa đông, khi đi ra ngoài.
3. Sợ "nhiệt": Cơ thể bị quá nóng/nhiệt có thể dẫn đến tình trạng dễ bị ho, hen suyễn. Do đó, duy trì được nhiệt độ cơ thể thích hợp, cả bên trong lẫn bên ngoài là vô cùng cần thiết. Thông qua chế độ ăn uống và môi trường sống.
4. Sợ sự "phiền muộn và lo lắng": Cảm xúc tiêu cực làm tổn hại khí phổi, hoặc làm cho khí phổi hoạt động không bình thường. Do vậy, bạn nên duy trì thái độ sống thư giãn, vui vẻ, thoải mái, giảm áp lực, tránh những lo lắng không đáng có. Nếu bị lo lắng, áp lực thì nên nhanh chóng giải quyết.
5. Sợ "khói bụi bẩn và khí độc hại": Những yếu tố từ môi trường không sạch sẽ dễ gây ứ đọng đàm và trôi vào phế nang, không lưu thông được khí trên và dưới nên dễ gây bệnh ở đường hô hấp.
3. Bảo vệ gan
Sau 40 tuổi cần chú ý kiêng rượu, bồi bổ gan mật. Đây là điều nên ưu tiên hàng đầu để cơ thể đảm bảo được sự ổn định.
Đông y có câu nói nổi tiếng: "Dưỡng gan là dưỡng mệnh". Sau tuổi 40, bạn càng phải chú ý bảo vệ gan, nhất là những người uống rượu bia lâu năm. Rượu bia có thể khiến gan bị tổn thương nghiêm trọng, sau tuổi 40, hãy chú ý cai rượu và bồi bổ gan, kịp thời tránh xa "5 nỗi sợ" đối với gan:
1. Sợ uống rượu bia: Đây là yếu tố làm hại gan, gây gan nhiễm mỡ, gan bệnh do rượu, xơ gan, v.v.
2. Sợ thức khuya: Thói quen này làm tổn thương huyết trong gan, tăng gánh nặng cho gan, làm cho gan không thể tự phục hồi. Từ 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng là khung giờ hoạt động tốt nhất của gan, giai đoạn này bạn cần ngủ sâu để gan thực hiện tốt các chức năng của mình.
Nếu bạn thức khuya, vô tình làm cho gan không thể làm tốt chức năng của mình, từ đó mà gây ra bệnh.
3. Sợ tức giận: Nóng nảy và thái độ giận dữ có thể dẫn đến gan khí đảo ngược, dẫn đến bốc hỏa, nóng trong gan. Đông y cho rằng "nóng giận hại gan" là vì như vậy. Bạn nên điều chỉnh thái độ của mình để không tác động xấu đến khí trong gan.
4. Sợ nhìn lâu: Nhìn vào mục tiêu nào đó quá lâu (đọc sách, xem máy tính, điện thoại) sẽ làm tiêu hao gan và huyết, gây khô mắt, mờ mắt và các triệu chứng phức tạp khác. Hãy tranh thủ nhắm mắt an thần bất kỳ lúc nào bạn có khả năng làm việc đó.
5. Gan rất sợ nấm mốc: Trong nấm mốc chứa nhiều chất độc hại, có khả năng gây nhiễm độc từ aflatoxin, dễ có khả năng gây ra ung thư. Tránh ăn những thực phẩm ẩm mốc, thực phẩm cũ để lâu ngày.
*Theo Health/Secret
Nguồn: https://soha.vn